flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

Từ khởi nghĩa Nam Kỳ đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Dấu ấn sáng tạo của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM

Ngày đăng: 18-08-2020 Lượt xem: 2279

Đảng bộ và Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước đứng lên giành chính quyền trong tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã khẳng định những công lao to lớn, những nét đặc sắc của cách mạng ở một đô thị lớn. Từ đó khơi dậy truyền thống cách mạng, chủ động, sáng tạo và động viên các tầng lớp Nhân dân hăng hái tham gia vào công cuộc xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình, một trung tâm nhiều mặt của cả nước - xứng đáng với Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

Khởi nghĩa Nam Kỳ - cuộc diễn tập giữa đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang

75 năm trước (1945 - 2020), trong cơn bão táp Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử, cùng với Nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã nhất tề đứng dậy khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần quan trọng đưa cuộc Tổng khởi nghĩa trên phạm vi toàn quốc thành công, đưa đến sự ra đời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Tiếp nối truyền thống đấu tranh yêu nước và cách mạng của Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, cuối tháng 9/1940, Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn họp mở rộng nhằm chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho cuộc khởi nghĩa. Đối với việc chỉ đạo cuộc khởi nghĩa, Thành ủy rất chú trọng đến việc củng cố và phát triển cơ sở Đảng ở các nhà máy, xí nghiệp, các khu lao động, trường học…

Trước đó, vào tháng 7/1940, Xứ ủy Nam Kỳ đã triệu tập Hội nghị ở làng Tân Hương (quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho) do đồng chí Phan Đăng Lưu, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng chủ trì với 24 đại biểu đại diện cho 19/21 tỉnh Nam Kỳ tham dự. Hội nghị cho rằng, sự tàn bạo của Pháp - Nhật làm lòng căm phẫn của quần chúng Nhân dân Nam Kỳ được đẩy lên cao độ, họ muốn nổi dậy khởi nghĩa lật đổ ách thống trị của Pháp - Nhật. Sau Hội nghị, ngày 4/9/1940, Xứ ủy Nam Kỳ ra Thông cáo, tiếp tục đưa phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Nam Kỳ tiến lên thành một cao trào mới. Thông cáo chỉ rõ “Phải thi hành ngay Nghị quyết của Trung ương về việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang[1].

Tính đến tháng 10/1940, Đảng bộ thành phố đã có trên 50 Chi bộ với 300 đảng viên. Điểm đáng chú ý là trong nhiều nhà máy, xí nghiệp, trường học như Pétrus Ký, Huỳnh Khương Ninh, trường Kỹ nghệ, trường máy, trường dạy lái ôtô… đã tổ chức được những đơn vị vũ trang tự vệ đáng tin cậy.

Đêm 22 rạng ngày 23/11/1940 cả Nam Kỳ vùng dậy khởi nghĩa diễn ra trên phạm vi 21 tỉnh của toàn xứ. Đây được xem là một trong những cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên của Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, có tầm ảnh hưởng rộng lớn. Cuộc khởi nghĩa đã làm tan rã bộ máy cai trị của Pháp ở một số vùng nông thôn, đồng thời làm rung động cả hệ thống cai trị của Pháp ở các nước thuộc địa. Nó là đòn tấn công trực diện của Nhân dân ta vào nền thống trị của chế độ thực dân phong kiến và cũng là cuộc tổng diễn tập ở Nam Kỳ để cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước được tôi luyện, trưởng thành trước khi bước vào trận chiến đấu mới.

Dù thất bại nhưng cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Từ đây, báo hiệu một thời kỳ mới của phong trào đấu tranh cách mạng đang tới. Đó là thời kỳ mà Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định không chỉ biết đấu tranh chính trị mà còn biết kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, kết hợp với khởi nghĩa của quần chúng để đưa cách mạng giải phóng dân tộc đi đến thành công. Văn kiện Đảng năm 1939 - 1945 đã khẳng định rõ: “Khởi nghĩa Nam Kỳ là tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đấu tranh bằng võ lực của các dân tộc Đông Dương[2].

Quá trình khôi phục và chuẩn bị lực lượng cho cuộc tổng khởi nghĩa

Sau khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940), phong trào cách mạng ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định gặp khó khăn, thử thách rất lớn. Hệ thống cơ sở Đảng và tổ chức quần chúng bị phá vỡ hoặc tê liệt, hàng ngàn cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước bị địch bắt giết hoặc giam cầm trong các nhà tù đế quốc. Lúc này Trung ương Đảng dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã cố gắng cử cán bộ vào Nam để truyền đạt chủ trương của Hội nghị Trung ương 8 là “chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang là nhiệm vụ trung tâm của Đảng ta và Nhân dân ta trong giai đoạn hiện tại”.

Cuối năm 1941, đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến, phái viên của Trung ương đã đem Chương trình và Điều lệ của Mặt trận Việt Minh vào Sài Gòn. Sau khi nhận tài liệu, các đồng chí ở Nam Kỳ đã nghiên cứu và quyết định triển khai thực hiện ở một số địa phương như Gia Định, Thủ Dầu Một, Tân An, Mỹ Tho, Hậu Giang... Các tỉnh ủy đã ra sức hoạt động đẩy mạnh xây dựng Mặt trận Việt Minh và các tổ chức cứu quốc. Cơ sở cách mạng ở các địa phương dần dần được phục hồi nhanh chóng. Cơ quan Xứ ủy lúc này đóng tại phía Tây Nam Sài Gòn và chủ trương ra báo Giải Phóng làm tài liệu hướng dẫn các cấp bộ Đảng và quần chúng về đường lối và nhiệm vụ trước mắt.

Theo yêu cầu của tình hình mới sau khi Nhật đảo chính Pháp, Xứ ủy Nam Kỳ (Xứ ủy Tiền Phong) ra đời cuối năm 1943 do đồng chí Trần Văn Giàu là Bí thư Xứ ủy chủ trương lợi dụng Nhật để tập hợp lực lượng cho cuộc tổng khởi nghĩa sắp tới góp phần làm phân hóa kẻ thù ở Nam Kỳ. Đó là việc làm phù hợp với chủ trương đường lối chung của Trung ương về vấn đề thời cơ cách mạng đang đến gần. Đặc biệt, Xứ ủy Nam Kỳ (Tiền Phong) đã tập trung nhiều cơ sở Đảng ở thành thị, nhất là trong thanh niên, sinh viên, học sinh, tiểu thương, tiểu chủ, công chức. Đây là những thành công và là điểm mới trong quá trình vận động cách mạng ở Nam Kỳ nhưng điều đó không thay thế được vai trò của vận động quần chúng công nông, hình thành các tổ chức cứu quốc, cũng như không thể bỏ qua trận địa nông thôn có ý nghĩa chiến lược quan trọng của cách mạng trong bất kỳ thời kỳ nào.

Cũng trong thời điểm này, kẻ thù ra sức đánh phá phong trào cách mạng, chúng không từ bỏ âm mưu thủ đoạn nham hiểm nào để khủng bố, truy bắt những người cộng sản, đưa mật thám chui vào các tổ chức Đảng để phá từ nội bộ, tăng cường triệt hạ về tổ chức, phá vỡ các cơ sở cách mạng ở cả nông thôn và thành thị, tăng cường kìm kẹp khống chế phong trào quần chúng đấu tranh. Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật tiến hành đảo chính quân Pháp trên toàn xứ Đông Dương, độc chiếm thuộc địa, thiết lập bộ máy cai trị mới của chúng trên toàn xứ. Tình hình cách mạng trở nên sôi động, không khí chuẩn bị khởi nghĩa đánh Pháp - đuổi Nhật dấy lên ở khắp nơi. Mặc dù lúc này đã có Xứ ủy Tiền Phong ra đời và hoạt động mạnh khắp nơi nhưng vì không đồng quan điểm về một số vấn đề phương pháp cách mạng cụ thể nên các đồng chí trong Ban cán sự miền Đông (gồm các đồng chí Nguyễn Thị Thập, Hoàng Dư Khương, Hoàng Tế Thế, Trần Văn Di - Dân Tôn Tử, Trần Văn Trà, Tô Ký, Lê Hữu Kiều…) đã liên hệ với Trung ương và chỉ đạo phong trào cách mạng các địa phương; đồng thời thành lập Xứ ủy lâm thời (Xứ ủy Giải Phóng) do đồng chí Dân Tôn Tử được cử làm Bí thư Xứ ủy Giải Phóng vào ngày 20/3/1945.

Đến tháng 5/1945, Xứ ủy lâm thời (Giải Phóng) cùng đại biểu 10 Tỉnh ủy lâm thời và 6 Ban cán sự Đảng tỉnh họp đại biểu tại Bà Điểm (Hóc Môn - Gia Định) bầu ra Xứ ủy chính thức của Đảng bộ Nam Kỳ (Giải Phóng) do đồng chí Lê Hữu Kiều làm Bí thư. Xứ ủy Giải Phóng phát triển cơ sở Đảng ra các tỉnh ở cả nông thôn và thành thị, nhưng rất chú trọng gây dựng cơ sở ở vùng nông thôn, lấy nông thôn làm căn bản cho các hoạt động xây dựng và phát triển thực lực, đẩy mạnh việc tập hợp quần chúng công nông  vào các Hội cứu quốc làm cơ sở cho Mặt trận Việt Minh phát triển. Như vậy, việc hình thành Xứ ủy Nam Kỳ (Giải Phóng) song hành chỉ đạo cách mạng cùng với Xứ ủy Nam Kỳ (Tiền Phong) đã làm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp bộ Đảng trên toàn xứ Nam Kỳ. Qua đó, thế và lực cách mạng trên toàn xứ được xây dựng, củng cố thêm, nhất là trong các giới quần chúng cơ bản, ráo riết chuẩn bị cho cuộc nổi dậy khởi nghĩa.

Tuy nhiên, để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa, các Đảng bộ ở Nam Kỳ đều có chung nhận thức là Nam Kỳ không được phép vắng mặt trong khởi nghĩa toàn quốc; khởi nghĩa giành chính quyền ở Nam Kỳ phải nổ ra trước tiên và chủ yếu ở Sài Gòn, trung tâm đầu não địch, các tỉnh sẽ nổ ra tiếp theo và đồng thời. Do đó, cần tập trung xây dựng phát triển lực lượng chuẩn bị ở thành phố và các địa phương kế cận, đồng thời không xem nhẹ các tỉnh xa. Và việc thống nhất 2 hệ thống Xứ ủy toàn Nam Kỳ là cần thiết nhất khi thời cơ cách mạng đang đến gần. Đúng như Chỉ thị của Trung ương đầu năm 1945 (đăng trên Báo Cờ Giải Phóng) đã nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ phạm phải một tội lớn nếu trước giờ quyết liệt chúng ta còn chia rẽ mãi”. Bởi cái gốc của những người cộng sản trong 2 Xứ ủy là tư tưởng cách mạng là quyết đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành độc lập dân tộc là mục tiêu cơ bản của mọi người cộng sản, cách mạng chân chính. Cả hai Xứ ủy đều dốc sức hoạt động hướng theo mục tiêu đó. Vì thế, nhiều đồng chí trong 2 Xứ ủy nhận thấy, hai nhóm Giải Phóng và Tiền Phong rách rời nhau là bất lợi cho việc lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Cho nên trong các tháng 4, 5 và 6/1945 đã lần lượt tổ chức 3 cuộc họp đại diện của 2 Xứ ủy để thống nhất tổ chức và lãnh đạo. 

Có thể khẳng định, quá trình Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định là quá trình phục hồi và phát triển lực lượng cách mạng sau khởi nghĩa Nam Kỳ, với nhiều đặc điểm quan trọng, trong đó có sự hình thành 2 hệ thống Xứ ủy Tiền Phong và Giải Phóng. Tuy có những khác nhau trong xây dựng lực lượng và phương pháp cách mạng, nhưng 2 hệ thống Xứ ủy này đã có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình chuẩn bị mọi mặt cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến. Đặc biệt là cao trào tiền khởi nghĩa trên phạm vi toàn quốc sau ngày 9/3/1945, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định bên cạnh những tổ chức có tính truyền thống đã tạo ra một tổ chức độc đáo là Thanh niên Tiền Phong - một tổ chức chính trị cách mạng của quần chúng, nơi tập hợp và rèn luyện quần chúng yêu nước, hình thành sức mạnh Phù đổng cho cuộc nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân ở thành phố và các tỉnh, góp phần vào thắng lợi to lớn của Cách mạng Tháng Tám ở Nam Bộ và cả nước./.

Hoàng Minh

Tài liệu tham khảo: Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Sài Gòn - Chợ Lớn và Gia Định, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM biên soạn, NXB Tổng hợp TPHCM, 2008.

 

[1] Thông cáo ngày 4/9/1940 của Xứ ủy Nam Kỳ đối với thời cuộc, Tài liệu lưu trữ tại Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương (Viện Lịch sử Đảng).

[2] Văn kiện Đảng năm 1939 - 1945, Nxb Sự thật, Hà Nội - 1963.