Ngày đăng: 06-03-2022 Lượt xem: 1615
Thời gian qua, những biến động to lớn và diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo của tình hình thế giới; những chuyển biến của cục diện thế giới và khu vực đang hàng ngày hàng giờ tác động tới Việt Nam khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Những ngày vừa qua, khi xung đột vũ trang xảy ra tại Ukraina, mạng xã hội xuất hiện rất nhiều ý kiến, thậm chí chia 2 trường phái (phái ủng hộ Nga và phái ủng hộ Ukraina), với biết bao comment và các thông tin, hình ảnh về sự kiện này...
Máy bay Nga tấn công sân bay gần thủ đô Kiev. Ảnh: AP
Khi chiến sự xảy ra, Việt Nam luôn theo dõi sát sao và quan ngại trước tình hình xung đột vũ trang tại Ukraine đang ảnh hưởng tới hoà bình, ổn định khu vực và trên thế giới; hoan nghênh đối thoại giữa hai phái đoàn Ukraine - Nga và mong các bên sớm tìm được giải pháp hòa bình lâu dài phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc cho các bất đồng. Đồng thời, Việt Nam ủng hộ và đề nghị cộng đồng quốc tế tiếp tục tạo điều kiện để các bên đối thoại, thúc đẩy viện trợ, cứu trợ nhân đạo cho người dân; đề nghị các bên liên quan đảm bảo an ninh, an toàn, tạo điều kiện sơ tán khi cần thiết cho các cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống tại Ukraine, trong đó có cộng đồng người Việt Nam...
Trong bối cảnh đó, để giành, giữ vững, bảo vệ được độc lập dân tộc, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và đời sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, thì Việt Nam cần phải tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng để kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đảm bảo được lợi ích quốc gia- dân tộc.
1. "Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng"
Với vị trí địa chính trị đặc thù của mình, suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Việt Nam luôn là mục tiêu xâm lược của các thế lực ngoại bang. Trên hành trình đấu tranh cho hòa bình, độc lập, tự do và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, trải bao triều đại, hoạt động đối ngoại của Việt Nam đã trở thành một mặt trận, góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của dân tộc, đặc biệt là kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres
(Ảnh: BNG).
Trong hơn 90 năm qua, xuyên suốt và nhất quán trong mọi thời điểm, mọi thời kỳ, việc kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đều được triển khai thực hiện trên cơ sở đánh giá đúng tình hình quốc tế, sự tác động đối với đất nước (cả thuận lợi và khó khăn, thách thức). Đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung, đường lối đối ngoại và thực hiện các hoạt động đối ngoại nói riêng đều được xây dựng và triển khai thực hiện trên cơ sở thấm nhuần chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng.
Việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng qua Văn kiện các kỳ Đại hội đều được tiến hành phù hợp, hiệu quả, xuất phát từ lợi ích quốc gia - dân tộc và luôn đặt lợi ích quốc gia- dân tộc lên trên hết, nhằm mục tiêu bảo vệ hòa bình, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Trong đó, xuất phát từ việc đề cao các quyền dân tộc cơ bản theo nguyên tắc Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi (độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, hòa bình và chống chiến tranh xâm lược…), trong cả thời chiến hay thời bình, Đảng, Nhà nước Việt Nam đều chú trọng nâng cao thực lực của đất nước/của cách mạng. Đó chính là sự tổng hợp của các yếu tố truyền thống và hiện đại, vật chất và tinh thần, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp sức mạnh thời đại, tính chính nghĩa, tôn trọng luật pháp quốc tế của dân tộc… dưới sự lãnh đạo của Đảng để tăng cường sức mạnh và hiệu quả của hoạt động đối ngoại, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn”[1]. Quan điểm chỉ đạo này của Người không chỉ xác định vị trí, mối quan hệ giữa xây dựng thực lực của đất nước/của cách mạng với việc phát huy sức mạnh của hoạt động đối ngoại mà còn cho thấy, trong mối quan hệ này thì xây dựng thực lực có ý nghĩa quyết định, bởi "ta có mạnh thì họ mới chịu "đếm xỉa đến". Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dầu là kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy”[2].
Trong hoạt động đối ngoại, việc kiên định, kiên trì về mục tiêu chiến lược và linh hoạt, mềm dẻo về sách lược đều được thực hiện trên tinh thần "dĩ bất biến ứng vạn biến". Cụ thể, từ khi Đảng còn hoạt động bí mật cho đến khi đã trở thành Đảng cầm quyền, mục tiêu giành và giữ vững độc lập dân tộc, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, bao gồm vùng đất, vùng trời, vùng biển luôn được đặt lên trên hết, trước hết; luôn được xử lý một cách linh hoạt và mềm dẻo trên cơ sở nhân nhượng, thỏa hiệp có nguyên tắc, đồng thời triệt để lợi dụng mâu thuẫn nội bộ của đối tượng, mâu thuẫn về nhóm lợi ích của các đối tượng, để vừa phân hóa và cô lập kẻ thù vừa lôi kéo thêm đồng minh. Việc bảo đảm các quyền dân tộc cơ bản phải gắn với độc lập tự chủ, tự lực, tự cường; gắn với mọi nỗ lực để không làm bùng phát những gây cấn, xung đột, bất lợi trong quan hệ, làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và sự phát triển của đất nước. Quan điểm này thể hiện rõ tư tưởng Hồ Chí Minh: "Một là thuật ngoại giao là làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết; hai là muốn ngoại giao được thắng lợi là phải biểu dương thực lực”[3]. Lịch sử cách mạng Việt Nam những năm 1945-1946 là minh chứng sinh động cho việc thực hiện thành công quan điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là, Đảng và Người đã thực hiện sách lược khôn khéo, mềm dẻo: khi thì tạm hòa hoãn với Tưởng để đánh thực dân Pháp xâm lược, lúc thì hoà với quân Pháp để đuổi Tưởng về nước; đó là triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, phân hóa và cô lập kẻ thù, để từng bước đưa cách mạng Việt Nam vượt qua những thời khắc thử thách hiểm nghèo.
Trải dài suốt lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Việt Nam - một quốc gia đất không rộng, người không đông; trong quan hệ bang giao luôn thực hiện phương châm "thêm bạn, bớt thù" trên tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với đoàn kết, hợp tác quốc tế. Đó là tư tưởng chủ đạo trong hoạt động đối ngoại, đồng thời cũng là nguyên tắc bất biến để bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở coi trọng tình hữu nghị, sự hợp tác với các nước láng giềng; với các nước trong khu vực và trên thế giới gắn liền với việc xử lý đúng đắn, linh hoạt mối quan hệ với các nước lớn. Vì thế, sau khi tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không lâu, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đã gửi điện, thư đến các vị nguyên thủ, ngoại trưởng của các nước Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô và Liên hợp quốc... nhằm mở rộng quan hệ với các nước, để không chỉ tranh thủ sự ủng hộ của các nước, các cường quốc về việc công nhận địa vị pháp lý của nước Việt Nam mới mà còn đồng thời xác lập vị thế chủ nhà của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại; trong việc bảo vệ chế độ dân chủ cộng hòa non trẻ, thể hiện rõ tinh thần của đối ngoại là “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”[4]. Việc tôn trọng đạo lý và nêu cao nhân nghĩa trong quan hệ quốc tế không chỉ là tư tuởng đối ngoại của Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa tư tưởng ngoại giao truyền thống hòa bình, hữu nghị của dân tộc suốt chiều dài lịch sử mà còn phù hợp với xu thế phát triển trong quan hệ quốc tế hiện đại.
Từ thập niên 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”[5] và "nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt mọi quan hệ thân thiện hợp tác với bất cứ một nước nào trên nguyên tắc: tôn trọng sự hoàn chỉnh về chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào nội trị của nhau, bình đẳng cùng có lợi và chung sống hòa bình. Chúng tôi tin chắc rằng sự hợp tác đó sẽ có lợi cho cả đôi bên và có lợi chung cho công cuộc hòa bình toàn thế giới''[6]… Đường lối đối ngoại đó ngày càng được bổ sung, hoàn chỉnh (có tham khảo, chọn lọc kinh nghiệm, bài học của quốc tế) cho phù hợp với bối cảnh của thời đại; không chỉ thể hiện rõ bản sắc ngoại giao Việt Nam, để Việt Nam không phải chịu sức ép và không biến thành "con bài" trên bàn cờ chính trị mà còn góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; không chỉ nhân nguồn sức mạnh dân tộc, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để góp phần làm nên những thắng lợi quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước mà còn không làm phương hại đến chủ quyền quốc gia, đến bản sắc văn hóa dân tộc.
Lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc tại Hà Nội, tháng 10/2017.
Có thể thấy việc Việt Nam thể hiện mong muốn và quyết tâm phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội… trong đường lối đối ngoại của Đảng qua các nhiệm kỳ Đại hội và trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019.
2. Quan hệ quốc tế càng đa chiều, phức tạp, Việt Nam càng phải kiên định mục tiêu bảo đảm lợi ích quốc gia- dân tộc
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh rằng, “sau vấn đề phòng thủ, ngoại giao là một vấn đề cần yếu cho một nước độc lập”[7]. Vì thế, trong bối cảnh quan hệ quốc tế phức tạp, đa chiều như hiện nay, nhất là khi lợi ích và chủ nghĩa dân tộc sô vanh/lớn ép nhỏ kéo theo chiến tranh, xung đột cục bộ vẫn xảy ra bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế thì Việt Nam càng phải kiên định, kiên trì thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đồng thời, tiếp tục thực hiện đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại để kịp thời đề ra những chính sách, biện pháp hợp tác và đấu tranh phù hợp và hiệu quả. Đặc biệt, khi lợi ích giữa các quốc gia - dân tộc đan xen hoặc đối lập, thì việc xác định và phân biệt rõ đối tác và đối tượng; đối tác cần hợp tác và đối tượng cần đấu tranh cần phải bnar lĩnh; đồng thời, để luôn có “thêm bạn, bớt thù”, luôn "là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế" thì Việt Nam càng cần phải vừa kiên định vừa bản lĩnh, vừa khôn khéo vừa linh hoạt trong thực thi các hoạt động đối ngoại.
Hoa hậu Việt Nam 2010 Ngọc Hân và Á hậu Việt Nam 2016 Thanh Tú trong tà áo dài Việt Nam với hoa văn là quốc kỳ các nước thành viên LHQ tham gia chương trình kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập LHQ, do Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại GeneveThụy Sỹ tổ chức, tháng 9/2017.
Trên cơ sở thực hiện nhất quán định hướng "tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam"[8] theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trước những vấn đề phức tạp ở Biển Đông, ở bán đảo Triều Tiên cũng như tình hình chiến sự ở Ukraina những ngày gần đây…, Việt Nam trước sau như một kiên trì nguyên tắc giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; nhhất là các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Đồng thời, hết sức quan ngại trước tình hình xung đột vũ trang ở Ukraine, trên tinh thần “thế giới hòa bình có thể thực hiện được nếu các nước trên thế giới, nhất là những nước lớn, đều sẵn sàng giải quyết những xích mích giữa các nước bằng thương lượng”[9], Việt Nam kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, bảo đảm an ninh, an toàn của người dân và bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu theo Luật Nhân đạo quốc tế…
Ngày 2/3, Việt Nam bỏ phiếu trắng với nghị quyết tại phiên họp đặc biệt ở Đại hội đồng Liên hợp quốc về tình hình Ukraine. Về vấn đề này, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 3/3, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã thể hiện rõ quan điểm; đồng thời cho biết lập trường này của Việt Nam đã được nêu rõ tại phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao ngày 25/2 và phát biểu của Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc - Đại sứ Đặng Hoàng Giang, tại phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 1/3 vừa qua. Quan điểm của Việt Nam về tình hình chiến sự tại Ukraina cũng chính là cách ứng xử của mọi quốc gia để bảo vệ lợi ích quốc gia- dân tộc trên cơ sở giá trị chung của nhân loại, của luật pháp quốc tế. Đó cũng chính là minh chứng cho việc Việt Nam tuân thủ nguyên tắc 4 không trong quan hệ quốc phòng (không đứng bên này chống bên kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự; không tham gia liên minh quân sự; không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế) được thể hiện rõ trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019.
Trong trật tự thế giới đa cực hiện nay, các mối quan hệ quốc tế ngày càng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết và đi liền cùng đó, ranh giới giữa đối tượng và đối tác luôn luôn tồn tại và đan xen lẫn nhau. Vì thế, kiên định chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội chính là phải tuân thủ thực hiện "dĩ bất biến, ứng vạn biến", trong đó lợi ích quốc gia - dân tộc là bất biến; đồng thời phải kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược, vận dụng sách lược mềm dẻo, linh hoạt; phải giữ trong ấm, ngoài êm, giữ nước “từ sớm, từ xa”, từ khi nước chưa nguy... Trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm, Việt Nam không chỉ cần phải tăng cường xây dựng, củng cố thế và lực của đất nước vững mạnh về mọi mặt mà còn phải chủ động xây dựng kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; không chỉ phải chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm để triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến mà còn phải thấm nhuần lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh "nước ta là một bộ phận của thế giới, mọi việc trong thế giới đều có quan hệ với nước ta, việc gì trong nước ta cũng quan hệ với thế giới" để tham gia tích cực, đúng đắn vào công cuộc bảo vệ hòa bình, tự do, công lý nói chung, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nói riêng./.
TS. Văn Thị Thanh Mai
[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.147
[2]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.244
[3]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.8, tr.27
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.256
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.311
[6]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.10, tr.12
[7]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.8, tr.290
[8]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.117
[9]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.8, tr.475