flag header

Tin tứcChống DBHB

Vai trò chủ lực của công tác tuyên giáo về xây dựng Đảng trong tình hình mới

Ngày đăng: 01-08-2020 Lượt xem: 1657

Suốt 90 năm qua, công tác tuyên giáo đã phát triển cùng với sự phát triển lớn mạnh của Đảng. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng ta đã nhận thức được rằng: công tác tư tưởng là công tác có tầm quan trọng hàng đầu, là một bộ phận hợp thành chủ yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Trong bài viết “Tự phê bình và phê bình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh C.B, đăng trên Báo Nhân Dân số 45, ra ngày 14/2/1952, Người viết: “Cần phải gắn công việc với tư tưởng và lề lối làm việc, vì mỗi công việc thành hay bại đều do tư tưởng và lề lối đúng hay sai”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang và đồng chí Đặng Mạnh Trung, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP trao kỷ niệm Chương “Vì sự nghiệp tuyên giáo của Đảng” cho các cá nhân

Bài học đổi mới trong công tác tư tưởng

Thực tiễn đã chứng minh, bài học thứ nhất của 35 năm đổi mới là bài học về công tác tư tưởng, tuyên giáo. Bởi đổi mới không phải là rời bỏ mục tiêu Xã hội chủ nghĩa mà tìm con đường, phương pháp, bước đi thích hợp theo mục tiêu đó. Nhất là trong giai đoạn mô hình xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, Liên Xô sụp đổ, những khó khăn về lý luận và thực tiễn về mô hình xã hội chủ nghĩa của nước ta đứng trước nhiều thách thức. Vì thế, công tác tư tưởng, tuyên giáo của Đảng đã trải qua những cuộc đấu tranh gay gắt và quyết liệt, nhằm bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ mục tiêu lý tưởng của Đảng. Nếu không có tính chiến đấu thì công tác tư tưởng, tuyên giáo không thể đạt được kết quả, vì kẻ thù không dễ dàng lùi bước cho các lực lượng tích cực, trong khi đó những phần tử cơ hội chính trị cũng rất “cố thủ” để duy trì những luận điệu xuyên tạc. Đó là chưa kể tới những biểu hiện tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong Đảng và trong xã hội, nếu không đấu tranh kiên quyết sẽ không khắc phục và đẩy lùi được. Mặt khác, trong đấu tranh và qua đấu tranh, đội ngũ cán bộ tư tưởng, tuyên giáo càng trưởng thành hơn, kiên định hơn, dứt khoát hơn, tạo thêm điều kiện trực tiếp bảo đảm công tác tư tưởng có tính chiến đấu sắc bén hơn.

Từ năm 1995, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 18/2/1995 về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay, chỉ ra và khẳng định một cách vững chắc hướng đi của sự nghiệp đổi mới và những nguyên tắc trong đổi mới công tác tư tưởng mà nội dung then chốt là: đổi mới vì mục tiêu chủ nghĩa xã hội, công tác tư tưởng, tuyên giáo luôn luôn do Đảng lãnh đạo, xây dựng chế độ dân chủ thực sự, Nhà nước của dân, do dân, vì dân; Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới, tiếp tục chỉ rõ phương hướng chung của công tác tư tưởng, lý luận là: kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo và các nguyên tắc hoạt động của Đảng… góp phần làm rõ hơn nữa con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta... Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 1/8/2007 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới tiếp tục nhấn mạnh: Công tác tư tưởng, lý luận, báo chí phải đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, làm cho hệ tư tưởng của Đảng, của giai cấp công nhân, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hoá dân tộc, những tinh hoa văn hoá thế giới chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội.

Nắm vững nội dung tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, tiếp tục kiên trì, đeo bám các giải pháp đấu tranh phòng chống diễn biến hòa bình, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của Đảng; triển khai Đề án 05-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy ngày 19/6/2020 về tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy luônquán triệt sâu sắc phương châm kết hợp giữa “xây” và “chống”, trong đó, chủ trương lấy giáo dục, động viên thuyết phục nêu gương để kéo cán bộ, đảng viên về với Đảng hơn là xử lý, kỷ luật, đẩy cán bộ, đảng viên ra xa Đảng hơn. 

Kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội

Trong thời gian gần đây, nhiều cán bộ đảng viên bị xử lý kỷ luật làm cho niềm tin của Nhân dân về đội ngũ cán bộ đảng viên giảm; vì vậy đòi hỏi ngành tuyên giáo phải nỗ lực để giữ vững, xây dựng và củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng; nâng cao tính chiến đấu và tính thuyết phục; kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức, tăng “sức đề kháng” của cán bộ, đảng viên. Các “binh chủng” trên mặt trận tư tưởng - văn hóa đều phải tham gia triển khai các nhiệm vụ một cách chủ động và với tinh thần trách nhiệm cao, nâng cao bản lĩnh chính trị, tầm trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng bộ và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; kiên định mục tiêu xã hội chủ nghĩa, giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Trong các “binh chủng” làm công tác tuyên truyền, giáo dục, hệ thống báo chí là lực lượng xung kích rất hiệu quả. Báo chí không chỉ phát hiện, cổ vũ, nhân rộng những nhân tố mới, mô hình hay, biểu dương người tốt việc tốt mà còn tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội; và ngày càng khẳng định là một kênh thông tin quan trọng, góp phần tích cực đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố.

Lãnh đạo ban Tuyên giáo Thành ủy các thời kỳ và cán bộ chuyên viên ban Tuyên giáo Thành ủy 

Điều này khẳng định công tác tuyên giáo phải luôn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh đều phải kiên định, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với bối cảnh mới của tình hình thế giới và trong nước, Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò đầu tàu, tiên phong tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 9/2/2018 của Ban Bí thư khóa XII về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”,đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; coi đó “là nội dung quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng về mặt tư tưởng, vừa có vai trò nền tảng, vừa có vị trí then chốt trong tình hình hiện nay” gắn với Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030 và Quy định số 285-QĐ/TW ngày 25/4/2015 của Bộ Chính trị khóa XI về dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị trong các cơ quan Đảng, nhà nước; tạo môi trường khuyến khích sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu lý luận chính trị và tôn trọng, tiếp thu và sử dụng kết quả tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận.

Việc phát huy sức mạnh tổng hợp của các “binh chủng” trên toàn mặt trận tư tưởng - văn hóa giúp đảm bảo được tính chiến đấu sắc bén, giữ vững vai trò, định hướng của Đảng trong lĩnh vực tư tưởng, thông tin, tuyên truyền, báo chí, dư luận xã hội một cách thường xuyên, tạo nên sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị-xã hội, đảm bảo cho sự phát triển mọi mặt. Cùng với hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân, góp phần quan trọng bồi đắp vững chắc nền tảng chính trị của Đảng, vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Con người - đối tượng của công tác tuyên giáo

Tại hội thảo Công tác tuyên giáo của Đảng - 90 năm chặng đường vẻ vang: Thành tựu và Tầm nhìn, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, “đối tượng của công tác tư tưởng, tuyên giáo chính là con người”, vì vậy những cán bộ tham gia công tác tư tưởng,tuyên giáo đòi hỏi phải nắm vững những quy luật riêng của tư tưởng, có thái độ, phương pháp khoa học, phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa yêu cầu định hướng tư tưởng với sự tự nguyện, giữa lý trí và tình cảm, giữa lời nói và việc làm, giữa “xây” và “chống”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực. Ngoài ra, công tác tư tưởng, tuyên giáo trong giai đoạn hiện nay, so với trước, phong phú, phức tạp và khó hơn nhiều. Đòi hỏi về tính văn hóa cao hơn, bởi vì các đối tượng của công tác tư tưởng có trình độ dân trí cao hơn, không chấp nhận những phương pháp cũ, hạn chế về tính thuyết phục, chừng nào có sự áp đặt, đòi hỏi tính dân chủ hóa trong công tác tư tưởng, tuyên giáo. 

Cụ thể, tôn trọng các đối tượng của công tác tư tưởng, tuyên giáo như cộng đồng xã hội, các tầng lớp dân cư, từ thế hệ trẻ, thanh niên, phụ nữ, lực lượng vũ trang, đến những người cao tuổi. Tất cả đều được chú ý, nghiên cứu đặc điểm, nhu cầu, nguyện vọng và cách tiếp cận để giúp đỡ, động viên. Thế hệ trẻ được quan tâm nhiều hơn trong công tác tư tưởng, theo hướng tôn trọng, phát huy vai trò của họ. Luôn coi trọng những thông tin từ dưới lên, thực hiện thông tin hai chiều, là coi trọng ý kiến của nhân dân, nghiên cứu dư luận xã hội. Phương pháp đối thoại giúp cho cán bộ lãnh đạo và cán bộ tư tưởng, tuyên giáo gần gũi quần chúng hơn, trao đổi thẳng thắn với họ trong giải quyết những vấn đề cụ thể. Mở rộng các chủ thể làm công tác tư tưởng, tuyên giáo như các lực lượng và tổ chức trong hệ thống chính trị. Làm công tác tư tưởng, trước hết là từ trong Đảng, mỗi đảng viên phải làm công tác tư tưởng mình trước. Và cùng với tổ chức Đảng, có bộ máy chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Công đoàn, Hội Cựu chiến binh, Hội người cao tuổi… cùng với các tổ chức kinh tế ở địa phương, ngành, tạo thành một hệ thống hùng hậu, cùng với các binh chủng công tác tư tưởng như báo chí - xuất bản, văn hóa - văn nghệ, thông tin - tuyên truyền… tạo nên sức mạnh trong dư luận xã hội, áp đảo những tư tưởng thoái bộ, tiêu cực, đem lại hiệu quả ngày một tốt hơn.

Hướng tới Đại hội đại biểu các cấp và Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực phấn đấu để hiện thực hóa khát vọng của dân tộc về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, có vị thế cao trong cộng đồng quốc tế trong bối cảnh thế giới đang biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, trong đó có những chuyển biến do đại dịch COVID-19 gây ra. Do đó, công tác tư tưởng, tuyên giáo cần không ngừng theo dõi, nắm bắt những xu thế thế giới, tiếp tục đổi mới tư duy và hành động, để khó khăn nào cũng vượt qua, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Ngành tuyên giáo luôntiếp tục phát huy truyền thống, định hướng Nhân dân nhận thức đúng đắn về các vấn đề, sự kiện thời sự quan trọng, có ý nghĩa đối với lợi ích quốc gia, dân tộc và cuộc sống của người dân, tăng cường khơi dậy tinh thần sáng tạo, hình thành văn hóa sáng tạo trong Nhân dân, xứng đáng là đội ngũ tiên phong trong củng cố môi trường hòa bình, ổn định, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Hoàng Minh