flag header

Tin tứcTin tức

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong thi đua yêu nước

Ngày đăng: 12-06-2021 Lượt xem: 1975

Kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948) đến nay, trải qua 10 kỳ Đại hội Thi đua yêu nước, phong trào thi đua yêu nước đã khẳng định nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện sự sáng tạo trong phương thức lãnh đạo của Đảng nhằm khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc.

Khơi gợi sức mạnh đoàn kết trong thi đua

Đoàn kết là một truyền thống quý báu của dân tộc ta, trở thành sức mạnh vô địch, đưa dân tộc Việt Nam vượt lên mọi khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích vẻ vang. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn “Thi đua phải đoàn kết, đoàn kết để thi đua[1]. Đoàn kết chặt chẽ thì sức mạnh thi đua càng mạnh, phong trào thi đua càng có sức lan tỏa sâu rộng, kết quả đạt được càng toàn diện và vững chắc.

Người nói: “Thi đua là đoàn kết. Trong phong trào thi đua chúng ta thấy có đủ các dân tộc: Kinh, Thổ, Mán, Mường, đủ các tín ngưỡng: lương có, giáo có, đủ các tầng lớp công, nông, binh, sỹ, đủ các người già, trẻ, gái, trai, tất cả đều nhằm vào mục đích chung: tăng gia sản xuất và diệt giặc lập công”. Hiểu được lời dặn của Người, trong kháng chiến hay công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các tầng lớp nhân dân Việt Nam luôn ra sức thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bằng những hành động, việc làm cụ thể nhằm năng suất lao động, tăng hiệu quả làm việc của mọi người, mọi ngành, mọi lĩnh vực.

Trong quá trình thi đua, Người chỉ rõ “thi đua chứ không phải ganh đua”, “người đi trước hiểu biết, dẫn người đi sau, làm cho mọi người cùng tiến bộ” nên cần phải đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau để cùng đạt thành tích cao hơn. Thi đua giúp cải tạo con người, xây dựng những nhân tố tiên tiến, nâng đỡ những người kém cỏi, làm cho mọi người giỏi hơn, tốt đẹp hơn.

Năm 2020 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử 100 năm gần đây của nhân loại, khi đại dịch Covid-19 gây ra những tác động lớn đến kinh tế và xáo trộn trong đời sống xã hội của hầu hết các nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phong trào thi đua yêu nước, với sự đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, hòa quyện giữa ý Đảng và lòng dân, chúng ta đã thi đua và giành thắng lợi trong việc thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế.

Nhấn mạnh những hiệu quả to lớn trong phong trào thi đua, tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X (diễn ra ngày 09-10/12/2020) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) nhấn mạnh: Trong 5 năm qua (2016-2020), phong trào thi đua yêu nước phát triển ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng chưa từng thấy với nhiều nội dung phong phú, sinh độngĐặc biệt, trong đại dịch Covid-19, chúng ta thấy nhiều hình ảnh cảm động, nhân văn, những tấm gương đa dạng trong nhiều lĩnh vực, từ người chiến sĩ lực lượng vũ trang đến người già, trẻ nhỏ đều có tấm lòng đối với đất nước trong lúc khó khăn, bệnh tật diễn ra. Chúng ta đã làm những việc mà thế giới cảm động, tâm phục”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua là một trong những biện pháp của quá trình vận động cách mạng, có ý nghĩa sâu sắc, rộng lớn, thi đua không chỉ khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người, mà quan trọng hơn là cải tạo bản thân con người. Trong thi đua, “Phải dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân”. Người lưu ý, phải coi trọng sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm. Từ những sáng kiến và kinh nghiệm trong từng ngành, lĩnh vực, ở một địa phương, cơ quan, đơn vị... sẽ được phổ biến, lan rộng ra nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều cơ quan, cho đến cả nước. Phải coi những sáng kiến, kinh nghiệm là tài sản vô giá, cần được phát huy: “Sáng kiến và kinh nghiệm cũng như những con suối nhỏ chảy vào sông to, những sông to chảy vào bể cả. Không biết quý trọng sáng kiến và phổ biến kinh nghiệm tức là lãng phí của dân tộc”.

Điều này càng khẳng định hơn trong những ngày gần đây, cả nước đang bước vào đợt dịch thứ 4 với diễn biến phức tạp, khó khăn hơn rất nhiều. Thực hiện lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tổ chức ban ngành, các tầng lớp nhân dân đã đồng lòng ủng hộ Quỹ vaccine Covid-19, Quỹ phòng chống dịch Covid-19. Từ những phần cơm thơm thảo được đưa tới người dân trong khu cách ly, khu phong tỏa; những ATM gạo miễn phí, Gian hàng 0 đồng mở ra liên tục... đến số tiền hàng chục, hàng hàng tỉ đồng được những doanh nghiệp, Tập đoàn lớn chung tay cùng Chính phủ mua vaccine cho người dân.

Thi đua chính là nỗ lực làm tốt hơn công việc hàng ngày

Lời kêu gọi thi đua ái quốc là nét đặc sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện sự sáng tạo trong phương cách lãnh đạo của Đảng ta, nhằm khơi dậy sức mạnh vĩ đại của dân tộc. Đây chính là sự khởi đầu cho phong trào yêu nước, là động lực xây dựng chủ nghĩa xã hội và nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Người dạy: Để bảo đảm phong trào thi đua thắng lợi vẻ vang, cần có hai điều: một là cán bộ và công nhân phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm và tinh thần làm chủ tập thể; hai là kế hoạch 10 phần thì biện pháp phải 20 phần và quyết tâm 30 phần[2]. Phong trào thi đua yêu nước phải cụ thể, phải kịp thời, phải thiết thực, phải có trọng điểm và nắm điển hình, bảo đảm tính thường xuyên, lâu dài và hiệu quả. Thi đua yêu nước phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể, kết hợp mục tiêu, lợi ích trước mắt với mục tiêu, lợi ích lâu dài.

Trong quá trình thi đua, cần nhân rộng những mô hình hay, những cách làm tốt, những tấm gương điển hình tiên tiến, như lời Người đã dạy “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền[3]. Đó chính là việc lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu, lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới. Đặc biệt, ngày nay, với sự phát triển của công nghệ làm thay đổi phương thức tiếp cận thông tin cua mỗi người, vì vậy, phong trào thi đua yêu nước trên cần đổi mới, mở rộng để phù hợp với cuộc cách mạng khoa học công nghệ. Các trang mạng xã hội có thể phát huy được mặt tốt, lan tỏa tinh thần yêu nước, ghi nhận những tấm gương, hành động tử tế.

Tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng năm 2020 và phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2021 của UBND TPHCM diễn ra ngày 14/4/2021, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM nói: “Chỉ cần một hành động tử tế, một tấm gương người tốt được đưa lên mạng xã hội sẽ kéo theo hàng loạt chia sẻ, bình luận theo hướng tích cực. Mạng xã hội có mặt tích cực và cả tiêu cực. Chúng ta cần dùng những điều tích cực đấu tranh lại phần tiêu cực”.

Trong một phiên họp Hội đồng Chính phủ vào tháng 10/1948, sau 4 tháng phát động Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở các cán bộ trong Chính phủ: “Trong cuộc vận động thi đua phải tránh xu hướng "bàn giấy", "công chức hóa", cần phải có sự phối hợp thống nhất trong chương trình thi đua thì thi đua mới có kết quả”. Có nghĩa là, công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua, thi đua không nhất thiết phải đưa ra những mục tiêu to lớn, cao siêu, càng không phải là việc cao hứng nhất thời. Thi đua chính là việc mỗi người nỗ lực làm tốt hơn công việc hằng ngày của chính mình. Hơn nữa, phong trào thi đua không phải là phong trào mang tính hình thức, khoa trương mà phải phù hợp với thực tế của từng thời kỳ. Lãnh đạo các cấp, các ngành khi phát động thi đua phải theo dõi, kiểm tra đôn đốc; tổng kết đánh giá và rút kinh nghiệm; kịp thời động viên khen thưởng các cá nhân tập thể đạt được nhiều thành tích, kỷ luật những người vi phạm, phê bình những người chưa hăng hái, hoặc thường coi thi đua, coi thi đua chỉ mang hình thức.

Người cũng từng căn dặn các anh hùng chiến sỹ thi đua: “Thành tích là thành tích của tập thể, tách rời tập thể thì dù tài giỏi mấy, một cá nhân cũng không làm gì được, cho nên càng có thành tích thì càng phải cố gắng, càng phải khiêm tốn, tuyệt đối chớ tự mãn, tự túc. Các anh hùng, chiến sỹ thi đua cần phải luôn dìu dắt giúp đỡ những người xung quanh mình cùng tiến bộ”. Vì vậy, qua phong trào thi đua, phải chỉ ra được những cá nhân thiếu tích cực, yếu kém, những tập thể mất đoàn kết, làm ăn không có hiệu quả, để từ đó có giải pháp khắc phục.

Thực tiễn đã chứng minh, 73 năm qua, từ Lời kêu gọi phát động thi đua ái quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ý thức được rằng thi đua yêu nước là động lực to lớn thúc đẩy phong trào cách mạng và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, thi đua cũng thể hiện được sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc, cũng như khẳng định vị thế Việt Nam trên trường Quốc tế. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “Cơ đồ đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày hôm nay”.

Hoàng Minh

 

[1] “Bài nói với cán bộ và đồng bào tỉnh Nam Định”, ngày 13/8/1958

[2] Bài phát biểu của Bác Hồ tại Đại hội thi đua “Năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều” toàn miền Bắc, ngày 12/2/1965.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, tập 1, tr.263