flag header

Tin tứcTin tức

Về chính sách cộng sản thời chiến và chính sách kinh tế mới của Lenin

Ngày đăng: 06-11-2019 Lượt xem: 14654

Trong một cuộc thăm dò dư luận tiến hành vào năm 2007 – 2008, Trung tâm Phân tích Yuri Levada (Nga), 57% số người dân Nga được hỏi ý kiến cho rằng Cách mạng tháng Mười Nga đã đem lại lợi ích cho nhân dân Nga; 26% tin rằng cách mạng đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nước Nga; 31% cho rằng Cách mạng đem đến sự nhảy vọt cho nền kinh tế và xã hội Nga. Ngày 11-4-2009, Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev đã ký đạo luật Liên bang khôi phục ngày lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga từ năm 2010; luật này sau đó được Duma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga thông qua ngày 27-3 và 1-4-2009. Vai trò của Cách mạng tháng Mười thể hiện rõ vì nó ra đời một nhà nước vô sản và nhà nước đó đã tồn tại được qua những giai đoạn lịch sử rất khó khăn, phức tạp. Có hai chính sách kinh tế có ý nghĩa to lớn trong việc duy trì nhà nước đó, đó là “chính sách cộng sản thời chiến” và “chính sách kinh tế mới”.

           

            Sự can thiệp của các đế quốc sau Cách mạng tháng Mười

            Cách mạng tháng Mười thành công ảnh hưởng đến quyền lợi của rất nhiều giai cấp, giai tầng trong xã hội Nga. Lực lượng chống đối Đảng Bolshevik đầu tiên là những quý tộc, sĩ quan cũ trong quân đội Nga hoàng, do bị tước tất cả các đặc quyền giai cấp, ruộng đất... Kế đó là Giáo hội Nga do bị tịch thu tài sản, hạn chế nhiều nghi thức nhà thờ, cũng như bị tước các uy quyền dưới thời Sa hoàng. Bên cạnh đó, một bộ phận công nhân (nhất là công nhân công nghiệp nhẹ và thợ thủ công) và nông dân (nhất là trung nông và nông dân có đạo) bị phái Menshevik tuyên truyền, lợi dụng. Ngoài ra, còn có các dân tộc vốn bị đế quốc Nga áp bức, vốn muốn đứng ra thành lập nhà nước riêng trong lòng nước Nga.

            Lực lượng cuối cùng là các thế lực nước ngoài nằm trong âm mưu tiêu diệt nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới, hòng chia cắt nước Nga thành các vùng phụ thuộc. Từ cuối năm 1917, các cường quốc trong phe Hiệp ước đã có kế hoạch: Pháp tấn công và lật đổ chính quyền Xô viết ở Ukraine, Crimea, Bessarabia; Anh tấn công và lật đổ chính quyền Xô viết ở phía bắc Nga, ở vùng sông Đông, Kuban, Kavkaz; Mỹ và Nhật tấn công ở vùng Viễn Đông và Siberia… Các nước này không công nhận chính quyền Xô viết, lấy cớ Nga rút ra khỏi chiến tranh để phối hợp với các lực lượng chống đối trong nước, hòng lật đổ chính quyền Xô viết. Tháng 3-1918, quân Anh, Pháp, Mỹ chiếm Murmansk, Arkhangelsk và tiến về hướng Moskva, Petrograd. Tháng 4, quân Nhật đổ bộ lên Vladivostok, trước khi quân viễn chinh Mỹ, Anh, Pháp, Ý đặt chân lên đó. Chính quyền Xô viết ở đây bị lật đổ; quân Bạch vệ lần lượt kiểm soát nhiều thành phố. Tháng 8-1918 quân Anh, Pháp đánh chiếm các thành phố cảng Odessa và Sevastopol; tháng 11-1917, Romania chiếm Bessarabia; tháng 5, quân đoàn Tiệp Khắc nổi loạn ở vùng sông Volgar và Siberia. Phía Tây Nam, các nước đế quốc giúp sức các thế lực chống chính quyền Bolshevik ở Azerbaidjan, Armenia nổi loạn. Trong khi đó, quân Đức xâm nhập vùng ngoại Kavkaz, vùng sông Đông, Crimea, rồi chiếm Ukraine, dựng lên chính phủ thân Đức.

            Nước Nga Xô viết bấy giờ ở trong một tình huống cực kì khó khăn và nguy hiểm. Khoảng 14 vạn quân của 11 nước đế quốc và chư hầu (về sau tăng lên tới 30 vạn), cùng khoảng 1 triệu quân Bạch vệ có lúc chiếm khoảng 3/4 lãnh thổ Nga, trong đó có những trung tâm nguyên liệu, nhiên liệu và lương thực. Nền kinh tế rơi vào tình trạng bế tắc: các nhà máy phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu và nhiên liệu, giao thông bị đình trệ, nhân dân lâm vào cảnh đói rét và bệnh tật…

            Trong khi đó, trong nội bộ Đảng, sự chia rẽ, phân hóa diễn ra rất phức tạp. Nhóm “những người cộng sản cánh tả” và bọn Trotkist cho rằng cách mạng XHCN không thể thành công ở phạm vi một nước, rằng chỉ có thể giữ nền chuyên chính vô sản và những thành quả của cuộc Cách mạng XHCN tháng Mười với điều kiện cách mạng XHCN thế giới thắng lợi, mà cuộc cách mạng này cần được “thúc đẩy” bằng một cuộc chiến tranh với chủ nghĩa đế quốc thế giới. Tình hình “thù trong giặc ngoài” đó có nguy cơ xóa sổ thành quả Cách mạng tháng Mười.

             Chính sách cộng sản thời chiến

            Trước tình hình đó, tại Đại hội bất thường lần VII của Đảng Cộng sản Nga (b) từ 6 – 8-3-1918, Lenin và các đồng chí đã đấu tranh quyết liệt với các quan điểm sai trái, nhờ đó tạo được sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng.

            Sau Đại hội, để tập trung toàn lực chống ngoại xâm và nội loạn, Lenin nêu khẩu hiệu: "Tất cả cho tiêu diệt kẻ thù" và thi hành chính sách "cộng sản thời chiến", bắt đầu từ tháng 6-1918. Chính sách này bao gồm các nội dung chủ yếu: trưng thu lương thực thừa của nông dân, nhà nước độc quyền mua bán lương thực để cung cấp cho thành thị và quân đội; nhà nước độc quyền về ngoại thương và kiểm soát việc sản xuất, phân phối sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; quốc hữu hóa những xí nghiệp vừa và nhỏ; cấm doanh nghiệp tư nhân; cấm buôn bán trao đổi sản phẩm ở trên thị trường, nhất là lương thực, thực hiện chế độ tem phiếu, trực tiếp phân phối bằng hiện vật cho người tiêu dùng; xóa bỏ ngân hàng nhà nước; kỷ luật nghiêm đối với người lao động, đặt chế độ lao động cưỡng bức áp dụng cho "tầng lớp không lao động" với nguyên tắc "không làm thì không ăn"; quản lý đường sắt theo dạng quân sự.

            Nhờ đó, nước Nga Xô viết có lương thực để cung cấp cho quân đội và nhân dân. Từ giữa năm 1919, các lực lượng Bạch vệ bắt đầu bị đánh bại và thúc đẩy sự vùng dậy mạnh mẽ của Hồng quân, tiến tới đẩy lui hoàn toàn các thế lực đế quốc can thiệp nước ngoài vào cuối năm. Đến năm 1920, Hồng quân giành những thắng lợi cơ bản trước bọn Bạch vệ và kết thúc cuộc chiến ngay trong năm này.

            Khi đánh giá về chính sách cộng sản thời chiến, Lenin nói: Trong điều kiện chiến tranh mà chúng ta đã lâm vào thì về cơ bản chính sách đó là đúng. Bắt đầu từ sáng kiến vĩ đại của công nhân đường sắt và sau đó được công nhân cả nước hưởng ứng, khí thế lao động của quần chúng được lên cao: "Ngày thứ bảy lao động cộng sản chủ nghĩa" được thực hiện trên toàn nước Nga.

            “Chính sách cộng sản thời chiến" hoàn toàn không phải là một chính sách kinh tế tất yếu của thời kỳ quá độ lên CNXH, mà chỉ là một chính sách tạm thời, mang tính ứng phó trong một hoàn cảnh cụ thể hết sức ngặt nghèo của nước Nga Xô viết.

            Chính sách kinh tế mới (NEP)

            Sớm xác định những bất ổn của “chính sách cộng sản thời chiến”, Lenin cho kết thúc vào đầu năm 1921 và từ tháng 3-1921 (tại Đại hội X của Đảng, từ ngày 8-3 đến 16-3-1921), Nga bắt đầu thực hiện “chính sách kinh tế mới” (NEP). Nội dung cơ bản của NEP là: bãi bỏ chế độ trưng thu lương thực thừa thay vào đó là thuế lương thực; nông dân được bán lương thực thừa ra thị trường; những xí nghiệp nhỏ trước đây bị quốc hữu hóa, nay cho tư nhân thuê hay mua lại để kinh doanh tự do (chủ yếu là xí nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng); phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp; mở rộng trao đổi hàng hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa công nghiệp và nông nghiệp, cho thương nhân được tự do hoạt động (chủ yếu trên lĩnh vực bán lẻ), củng cố lại lưu thông tiền tệ trong nước, phát triển kinh tế hàng hóa; phát triển nền kinh tế nhiều thành phần; thực hiện chế độ hạch toán kinh doanh trong các xí nghiệp quốc doanh…

            Cùng với việc giành quyền kiểm soát toàn bộ nước Nga, trong đó có những vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp và khai khoáng, NEP đã tạo điều kiện phát triển lực lượng sản xuất, vì nó đáp ứng được yêu cầu của các quy luật kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH là nền kinh tế hàng hóa và có nhiều thành phần. Nhờ đó, trong một thời gian ngắn, Nga đã khôi phục được nền kinh tế quốc dân bị chiến tranh tàn phá. Đến cuối năm 1922, Liên Xô đã vượt qua được nạn đói và đến năm 1925, nông nghiệp đã vượt mức trước chiến tranh, cung cấp 87% sản phẩm. Ngành đại công nghiệp được phục hồi: tổng sản lượng công nghiệp năm 1925 so với năm 1913 đạt 75,5% và đến năm 1926 thì khôi phục được 100%. Kế hoạch điện khí hóa tiến hành có hiệu quả, ngành điện và cơ khí chế tạo vượt mức trước chiến tranh, nhiều xí nghiệp công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm đã đạt và vượt mức trước chiến tranh. Thương nghiệp được mở rộng (tổng mức lưu chuyển hàng hóa trong nước năm 1926 đã bằng 2 lần năm 1924; mở rộng quan hệ buôn bán với hơn 40 nước). Từ đó, ngân sách nhà nước đã được củng cố: năm 1925 – 1926 ngân sách nhà nước tăng lên gần 5 lần so với năm 1922 – 1923.

            Sau khi Lenin qua đời (tháng 1-1924), NEP không được các nhà lãnh đạo Liên Xô xem trọng đúng mức. Đến cuối năm 1928, Stalin hủy bỏ chính sách này.

NGŨ YÊN