flag header

Tin tứcChống DBHB

Về luận điểm sai trái “Nguyễn Tất Thành không phải ra đi tìm đường cứu nước”

Ngày đăng: 05-06-2021 Lượt xem: 4416

Ngày 05-6-1911, tiếp bước các bậc tiền bối yêu nước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, trên các trang mạng xã hội đã xuất hiện nhiều bài viết xuyên tạc khi cho rằng Nguyễn Tất Thành thực ra không phải ra đi tìm đường cứu nước mà chẳng qua “tìm đường cứu nhà”. Lý lẽ mà những luận điệu này vin vào đó để đưa ra, đó là Nguyễn Tất Thành khi sang Pháp đã xin vào học Trường Thuộc địa, sau đó, vì không được chấp nhận nên bất mãn và quay sang chống lại nước Pháp (sic ?!).

1. Nguyễn Tất Thành không phải người đầu tiên và duy nhất ra đi

Trước hết phải khẳng định rằng Nguyễn Tất Thành không phải là người đầu tiên trăn trở về con đường cứu nước của dân tộc, Nguyễn Tất Thành cũng không phải người đầu tiên đã ra đi tìm đường cứu nước. Nước Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX đứng trước nguy cơ xâm lược từ các cường quốc phương Tây. Chiều 31-8-1858, những phát súng của quân xâm lược Pháp và Iphanho (Tây Ban Nha) bắn vào cửa biển Đà Nẵng đã làm rung chuyển đất nước Việt Nam. Trước sức chống đỡ dũng cảm của quan quân triều đình, quân Pháp xâm lược đã phải chuyển hướng quay vào miền Nam một năm sau đó và tiến vào đất liền Gia Định theo ngả cửa biển Cần Giờ.

Trước tình cảnh ấy, rất nhiều các xu hướng, đường lối cứu nước khác nhau đã nổ ra ở hầu khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam. Lúc đầu, các phong trào chống thực dân Pháp xâm lược chủ yếu vẫn là bằng con đường kháng chiến của các sỹ phu mà tiêu biểu là: Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Thủ Khoa Huân v.v…(ở miền Nam); Trần Tấn, Đặng Như Mai, Nguyễn Xuân Ôn, Phan Đình Phùng v.v…(ở miền Trung); Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Ngọc Bích; Hoàng Hoa Thám v.v…(ở miền Bắc). Xu hướng cứu nước bằng con đường khởi nghĩa vũ trang này không thể không nhắc tới một nhà vua yêu nước nổi tiếng, người đã khơi nguồn cho phong trào kháng Pháp rộng lớn và lâu dài: phong trào Cần Vương mà lãnh tụ tinh thần là vua Hàm Nghi. Thế nhưng, các phong trào yêu nước chống Pháp xâm lược theo các xu hướng này đều bị thực dân Pháp trấn áp và cuối cùng đều thất bại.

Khi các phong trào kháng Pháp bằng con đường khởi nghĩa vũ trang thất bại, các sỹ phu, những người yêu nước của dân tộc lại trăn trở để đi tìm một con đường khác khả dĩ hiệu quả hơn. Các phong trào nổi tiếng như Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (bị thực dân Pháp đóng cửa năm 1907); vụ Hà thành đầu độc bị (thất bại và bị tàn sát 1908); cuộc biều tình chống thuế ở miền Trung (bị đàn áp năm 1908);  Phong trào Đông Du tan rã, Phan Bội Châu và các đồng chí của ông bị trục xuất khỏi nước Nhật (1909); các lãnh tụ của phong trào Duy Tân ở Trung Kỳ cũng bị tàn sát; vua Thành Thái - một nhà vua có tư tưởng thương dân, chống Pháp bị buộc phải thoái vị năm 1907 v.v…Trong số những trí thức nổi tiếng ra đi tìm đường cứu nước cho dân tộc giai đoạn ấy không thể không nhắc tới 2 tên tuổi lớn họ Phan là Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh.

Như vậy, trăn trở tìm con đường cứu nước cho dân tộc trong bối cảnh mất nước khi ấy có rất nhiều người, bằng nhiều con đường khác nhau. Nguyễn Tất Thành không phải là người duy nhất và cũng không phải là người đầu tiên ra đi. Còn nói rằng Nguyễn Tất Thành ra đi để kiếm đường làm ăn thì các sỹ phu, các nhà yêu nước khác ra đi chắc cũng đều kiếm đường làm ăn (?). Cụ Tôn Thất Thuyết sang Trung Quốc cầu viện chống Pháp và đã chịu phẫn uất chết già ở Trung Quốc, trong khi cả gia đình cụ ở trong nước đã hy sinh tới mười mấy người vì sự nghiệp chống Pháp. Chẳng lẽ cụ đi Trung Quốc cũng chỉ để kiếm ăn (?). Các cụ Dương Bá Trạc, Đặng Nguyên Cẩn đi Thái Lan và một số nước khác để học hỏi con đường cứu nước, nếu nói như các luận điệu nêu trên chắc các cụ cũng chỉ đi để “cứu nhà” (?). Cụ Phan Bội Châu, Giải nguyên trường thi Nghệ An sao chẳng làm quan cho Pháp để hưởng lương cao, bổng hậu lại đi lập Duy Tân hội cầu viện Nhật Bản chống Pháp để làm gì? Cụ Phan Chu Trinh, Phó bảng năm Tân Sửu, niên hiệu Thành Thái thứ 13 (1901) sao chẳng chịu làm quan, tìm đường sang Pháp để làm gì? V.v…Chắc hẳn không ai cẩu thả tới mức nói các vị nêu trên ra đi chẳng qua cũng chỉ để tìm đường làm quan và kiếm ăn. Tất cả những sỹ phu yêu nước khi ấy, dù cứu nước bằng con đường nào họ cũng đều đã làm tròn trọng trách trước đất nước, Nhân dân và lịch sử. Họ đã thể hiện trách nhiệm cao quý của một sỹ phu trước hiện tình đất nước và dân tộc với châm ngôn: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”.

2. Nguyễn Tất Thành và con đường đi sang phương Tây

Khi còn nhỏ, dù cha là Nguyễn Sinh Sắc đỗ phó bảng năm Tân Sửu, niên hiệu Thành Thái thứ 13 (1901), song Nguyễn Tất Thành không chỉ học tiếng Hán mà còn trau dồi cả tiếng Pháp. Cụ Nguyễn Sinh Sắc - khi vào Huế nhận chức quan ở Huế - đã đưa Nguyễn Tất Thành đi theo. Ở Huế, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã nhờ bạn của mình là họa sỹ Tây học tài năng Lê Huy Miến dạy tiếng Pháp cho Nguyễn Tất Thành. Thầy Lê Huy Miến chính là người thầy đầu tiên dạy tiếng Pháp cho Nguyễn Tất Thành. Trước đó, trong một buổi bàn bạc giữa hai người, họa sỹ Lê Huy Miến có trao đổi với cụ Nguyễn Sinh Sắc rằng: “Đã đến lúc cho Nguyễn Sinh Côn (tên hồi nhỏ của Nguyễn Tất Thành - NV) học chữ mới[1]”. Và rằng, “muốn hiểu rõ kẻ thù phải hiểu thấu ngôn ngữ của nó[2]”.

Không những vậy, khi học xong bậc tiểu học, ở Huế, Nguyễn Sinh Côn đã thi đỗ vào Trường Quốc học Huế. Chính tại ngôi trường này, vốn tiếng Pháp của Nguyễn Tất Thành đã được nâng lên rất nhiều. Khi cụ Nguyễn Sinh Sắc được triều đình đình bổ đi nhậm chức tri huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn, Bình Định) thì ở Huế, Nguyễn Tất Thành tham gia các hoạt động yêu nước, chống Pháp và lọt vào “tầm ngắm” của mật thám Pháp. Vì lẽ ấy, Nguyễn Tất Thành đã quyết định rời bỏ trường học đi về phương Nam. Ở Quy Nhơn, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã nhờ một đồng môn của mình là nhà giáo Phạm Ngọc Thọ (cha đẻ bác sỹ Phạm Ngọc Thạch), khi ấy đang sống và làm việc ở Quy Nhơn bồi dưỡng thêm tiếng Pháp cho con trai của mình để chuẩn bị cho “tương lai trước khi vượt biển khơi - mà ông biết chắc con mình đã từng nhìn chăm chăm ra biển xanh thăm thẳm nhiều giờ liền[3]”. Khi ở Quy Nhơn, có lần Nguyễn Tất Thành lặn lội tới nhiệm sở thăm cha, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã nói với con trai của mình rằng: “Nước mất thì đi tìm nước. Lần này đi tìm cha phỏng ích gì?[4]”.

Có lẽ một câu hỏi có thể vẫn là đề tài cho giới nghiên cứu trong và ngoài nước là tại sao Nguyễn Tất Thành lại chọn hướng sang phương Tây mà không chọn sang Nhật Bản hay Trung Hoa như các chí sỹ yêu nước là các bậc cha chú trước đó. Điều ấy chỉ có thể giải thích bằng việc phải sang tận quê hương của câu tuyên ngôn nổi tiếng “Tự do - Bình đẳng - Bác Ái”. Vả chăng, muốn đấu tranh đánh đổ người Pháp đô hộ thì phải hiểu họ mới có thể hành động. Đây có lẽ cũng là lý do mà khi ở Pháp, Người đã viết thư xin vào học Trường Thuộc địa. Tất nhiên mong muốn này của Nguyễn Tất Thành đã không được chấp thuận.

Đánh giá về việc đi sang phương Tây của Nguyễn Tất Thành, giáo sư Trần Văn Giàu đã viết: “Định hướng cho cách mạng là vấn đề trọng đại nhất đầu thế kỷ 20. Đi ngả nào mới tới đích? Đường cứu nước là đường nào? Trong khi các chí sỹ lớn tuổi đi tìm ở phương Đông (Nhật) rồi tới hướng Bắc (Tàu) thì thanh niên Nguyễn Tất Thành đi sang châu Âu (1911). Tìm cách đánh đuổi thực dân Tây phương mà đi về hướng Tây. Đi ngược chăng? Chưa một ai ngờ rằng đi ngược mà sẽ về xuôi. Không vào hang hổ sao trói được hổ[5]”.

Như vậy, dù không nói ra nhưng rõ ràng cụ Nguyễn Sinh Sắc đã ngầm ủng hộ con trai của mình và đã âm thầm chuẩn bị những điều kiện cần và đủ để Nguyễn Tất Thành ra đi. Và, ngày 05 tháng 6 năm 1911, trên con tàu buôn Đô đốc Latouche-Tréville, có một người thanh niên yêu nước đã quyết chí ra đi tìm con đường cứu nước cho dân tộc mình: “Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta[6]”. Cũng vậy, trước khi ra đi và có đơn xin vào học Trường Thuộc địa của Pháp, Nguyễn Tất Thành cũng đã từng học các “trường của Pháp” mà một trong những ngôi trường nổi tiếng đó chính là Trường Quốc học Huế. Trường Quốc học Huế là ngôi trường đào tạo viên chức cho bộ máy cai trị thuộc địa của thực dân Pháp. Sau này, rất nhiều các nhà cách mạng, nhà thơ, nhà văn lớn của Việt Nam cũng đã đi ra từ ngôi trường này như: Trần Phú, Hà Huy Tập, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều, Tạ Quang Bửu, Tố Hữu, Đặng Thai Mai, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Thanh Tịnh, Trần Hoàn, Phạm Tuyên v.v…Chẳng lẽ cứ học trường đào tạo viên chức cho bộ máy cai trị thì sẽ làm tay sai? Cũng vậy, chẳng lẽ cứ học Trường Thuộc địa thì cũng sẽ làm tay sai? Nhà bác học nổi tiếng Louis Pasteur chẳng đã từng nói: “Học vấn không có quê hương nhưng người học phải có Tổ quốc”.

3. Phải chăng Nguyễn Tất Thành chống Pháp vì đơn xin học không được chấp nhận

Cũng vì lá đơn xin vào học Trường Thuộc địa này mà hiện nay, những lực lượng chống đối và mưu đồ hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh rêu rao rằng Nguyễn Tất Thành sang Pháp là để xin đi học làm quan cho Pháp chứ không phải để tìm đường cứu nước. Và rằng, vì đơn xin học bị bác nên mới đi theo cộng sản và quay sang chống Pháp chứ mục đích ra nước ngoài của Nguyễn Tất Thành không phải để tìm đường cứu nước mà để tìm đường làm ăn (!?).

Khi Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ, đã có rất nhiều những nhà yêu nước được thực dân, đế quốc, phát xít đô hộ mời mọc làm quan với những ưu đãi vô cùng hậu hỹ nhưng họ đã từ chối. Đó là một Nguyễn An Ninh, cử nhân Luật học ở Pháp với lời mời của thống đốc Nam Kỳ làm Chánh án Tòa án Nam Kỳ cho Pháp với rất nhiều bổng lộc. Cũng Nguyễn An Ninh, khi đang bị thực dân Pháp giam giữ ngoài Côn Đảo, người Nhật vào Đông dương đã hai lần cho người ra đặt vấn đề mời ông về làm thủ tướng chính phủ thân Nhật và đều bị ông khước từ. Đó là một Cao Triều Phát - Chưởng quản Cao Đài Minh Chơn Đạo ở Bạc Liêu đã hiến tặng cho cách mạng hàng nghìn mẫu ruộng và lên đường ra Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp mà từ chối lời mời ở lại làm Bộ trưởng trong chính phủ Ngô Đình Diệm. Đó là một Huỳnh Thiện Lộc, kỹ sư canh nông tốt nghiệp từ Pháp, một nhà tư sản, đại điền chủ lớn với hơn 20 nghìn héc ta đất và hàng chục cơ sở xay xát lúa gạo đã hiến tặng hầu hết cho cách mạng và đi với cách mạng. Đó là một Phạm Ngọc Thảo (nguyên mẫu nhân vật Nguyễn Thành Luân trong phim “Ván bài lật ngửa”) với xuất thân giàu có, gia đình có hàng nghìn mẫu ruộng và hàng nghìn căn nhà cho thuê rải rác ở các tỉnh, thành Nam Bộ nhưng cũng đi với cách mạng, với Nhân dân v.v…Trong những năm người Pháp đô hộ Việt Nam, có rất nhiều các trí thức lớn người Việt Nam được Pháp đào tạo, ăn lương, bổng lộc của Pháp nhưng vẫn bí mật liên hệ với cách mạng, ủng hộ cách mạng và tìm cơ hội để thoát ra chiến khu tham gia kháng chiến. Đã có lúc, những người Pháp đô hộ ở Việt Nam không thể nào hiểu nổi điều này và họ đã tặng những người nêu trên đánh giá nổi tiếng là “ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản”.

Quay trở lại vấn đề Nguyễn Tất Thành ra đi, có lẽ ý kiến sau đây của một người từng là sỹ quan của chế độ Sài Gòn, sau này sinh sống ở Mỹ, tác giả Trần Chung Ngọc là hoàn toàn xác đáng. Tác giả Trần Chung Ngọc đã cho rằng những người đưa ra bức thư này với mưu đồ hạ bệ Hồ Chí Minh đã không nghĩ đến phản tác dụng khi đưa ra bức thư này. Ông viết: “Thứ nhất, họ không tìm hiểu tại sao giám đốc trường thuộc địa lại từ chối đơn xin học của ông Hồ với lý do rất đáng buồn cười: “Mục đích của ông tới đây là để kiếm sống chứ không phải là để đi học” Ở trên đời này có trường nào bác đơn xin học của một sinh viên với lý do là anh ta không có ý định đi học không? Sở dĩ trường thuộc địa bác đơn xin học của ông Hồ vì trong đơn ông Hồ “đã dại dột” viết rõ là mục đích của ông là có thể dùng nền học vấn để giúp ích cho đồng bào của ông, để cho họ được hưởng những hữu ích của nền học vấn mà ông thu thập được [“Je désirerais devenir utile à la France vis à vis de mes compatriotes etpouvoir en même temps les faire profiter des bienfaits de l’instruction”]. Những người chống Cộng quê mùa thường bỏ đi đoạn sau trong câu trên và diễn giải là ông Hồ xin học trường thuộc địa để phục vụ cho Pháp (utile à la France). Nhưng một người như ông Hồ, thuộc một gia đình yêu nước chống Pháp, thì “phục vụ cho Pháp” không thể tương hợp với “phục vụ đồng bào”. Đó chỉ là một câu để có thể xin vào học trường thuộc địa. Trường thuộc địa là để đào tạo những tay sai phục vụ cho nước Pháp, chứ không phải để phục vụ cho dân thuộc địa. Giám đốc Trường Thuộc địa không phải là không biết điều này, nên đã từ chối với một lý do vốn không phải là lý do, vì nó rất vô lý. Những người muốn hạ bệ ông Hồ về một bức thư xin học trường thuộc địa không đủ trí tuệ để thấy sự phản tác dụng khi đưa ra tài liệu này[7]”.

Chỉ lấy một bức thư xin học trường thuộc địa Pháp của Nguyễn Tất thành để quy kết rằng Nguyễn Tất Thành ra đi chẳng qua cũng chỉ để mưu cầu làm quan. Và rằng, vì đơn xin học không được chấp nhận nên mới quay ra chống Pháp chứ nếu đơn ấy được chấp nhận lại sẽ có một ông quan Nguyễn Tất Thành liệu có phải là cách làm khoa học công bình, chính xác? Nếu cho rằng Nguyễn Tất Thành, vì xin vào học trường thuộc địa không được nên mới quay ra chống Pháp thì quả là suy nghĩ nhỏ mọn và nực cười. Phải chăng “chim sẻ không bao giờ hiểu được cái chí của đại bàng” hoặc giả là “lấy dạ tiểu nhân đo lòng quân tử” chăng. Nếu thật sự ai đó nghĩ và viết như vậy thì không chỉ đánh giá quá thấp khát vọng và lý tưởng của Nguyễn Tất Thành mà còn - không biết vô tình hay hữu ý - xúc phạm các bậc tiền bối yêu nước khác như đã nêu trên.

KẾT LUẬN: Xâu chuỗi các sự kiện trong cuộc đời Hồ Chí Minh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đến khi ra đi và công lao của Người đối với nhân dân và đất nước, có thể thấy, việc Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước đã được nung nấu và xác định từ trước. Mục tiêu đi và đến rất rõ ràng, đó là nước Pháp, nước của câu tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền nổi tiếng “Tự do - Bình đẳng - Bác Ái” nhưng lại đang đè đầu, cưỡi cổ đô hộ và bóc lột nhân dân Việt Nam. Tất cả những điều phân tích, lý giải nêu trên là minh chứng bác bỏ hoàn toàn những luận điệu xuyên tạc về việc Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.       Trần Văn Giàu, Hồ Chí Minh - Chân dung một tâm hồn và trí tuệ vĩ đại, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2014.

2.       Nguyễn Hữu Hiếu, Một người cha, Nxb Văn hóa - Văn nghệ.

3.       Trần Chung Ngọc: “Nhận định về DVD Sự thật về Hồ Chí Minh của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ và Trần Quốc Bảo” (http://sachhiem.net/TCN/TCNls/TCNls10.php).

4.       Trần Nhu, Nguyễn Sinh Sắc: Cụ Phó bảng xứ Nghệ, một nhân cách lớn, Nxb Văn học, Hà Nội, 2015.

5.       Trần Dân Tiên, Những mẫu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Trẻ, 2007.

                                 TS. Vũ Trung Kiên - Học viện Chính trị khu vực II

 

[1] Trần Nhu, Nguyễn Sinh Sắc: Cụ Phó bảng xứ Nghệ, một nhân cách lớn, Nxb Văn học, Hà Nội, 2015, tr. 131

[2] Trần Nhu, sđd, tr. 131

[3] Trần Nhu, sđd, tr. 133

[4] Nguyễn Hữu Hiếu, Một người cha, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, tr. 64

[5] Trần Văn Giàu, Hồ Chí Minh - Chân dung một tâm hồn và trí tuệ vĩ đại, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2014, tr. 21

[6] Trần Dân Tiên, Những mẫu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Trẻ, 2007, tr 14

[7] Trần Chung Ngọc: “Nhận định về DVD Sự thật về Hồ Chí Minh của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ và Trần Quốc Bảo” (http://sachhiem.net/TCN/TCNls/TCNls10.php).