flag header

Tin tứcChống DBHB

Về luận điệu xuyên tạc năm sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 20-05-2022 Lượt xem: 954

Lâu nay, một số người vin vào các bản tự khai của Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc mà cho rằng Hồ Chí Minh không phải sinh năm 1890 như tiểu sử chính thức của Người. Họ lại mượn chuyện Bác Hồ mất ngày 2-9-1969 nhưng được sửa thành ngày 3-9-1969 từ đó “nâng quan điểm” cho rằng các thông tin về ngày mất của Hồ Chí Minh đã không trung thực thì năm sinh chắc gì đúng và tiếp tục suy diễn rằng các điều khác cũng không đáng tin. Từ đó, họ phủ nhận vai trò, vị trí, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, đồng nghĩa phủ nhận tầm vóc và các giá trị đóng góp của Người. Điều đó nằm trong âm mưu “xóa bỏ thần tượng” vốn được một số người ở nước ngoài thực hiện trong thời gian qua.

Trước hết, phải khẳng định rằng việc thay đổi ngày mất của Bác Hồ là do chủ ý Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III), đồng thời thể hiện mong muốn của Đảng lúc bấy giờ. Đến ngày 19-8-1989, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã ký ban hành Thông báo số 151-TB/TW của Bộ Chính trị (khóa VI)về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông báo nêu rõ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời lúc 9 giờ 47 phút ngày 2 tháng 9 năm 1969, ngày Quốc khánh của nước ta. Để ngày Bác mất không trùng với ngày vui lớn của cả dân tộc, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đã quyết định công bố Chủ tịch Hồ Chí Minh mất vào lúc 9 giờ 47 phút ngày 3 tháng 9 năm 1969. Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) cho rằng nay cần công bố lại đúng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời”.

Còn về năm sinh của Bác, thực sự trong một số tờ khai, Người đã có những lần cung cấp năm sinh khác nhau. Chẳng hạn:

- Ngày 15-9-1911, từ cảng Marseilles, Pháp, Nguyễn Tất Thành gửi một lá đơn cho Tổng thống Pháp xin vào học ở Trường Thuộc địa. Trong lá đơn có ghi: “Nguyễn Tất Thành sinh ở Vinh năm 1892, con ông Nguyễn Sinh Huy, Phó bảng”.

- Hộ chiếu và giấy thông hành mang tên Chen Vang (Trần Vương), sinh ngày 15-2-1895 ở Đông Dương do Đại sứ quán Liên Xô tại Berlin (Đức) cấp ngày 16-6-1923 khi Người sang Liên Xô.

- Bản khai lý lịch ngày 16-9-1934 của Nguyễn Ái Quốc để vào học trường Quốc tế Lenin, Moscow, ghi năm sinh là 1894.

- Lý lịch của Nguyễn Ái Quốc khai ngày 16-8-1935 để tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản ở Moscow ghi năm sinh là 1900.

- Bản khai lý lịch mang tên Lin trước khi làm thủ tục rời Liên Xô ngày 26-11-1937 ghi năm sinh là 1903.

Từ đó ta thấy rằng trong từng thời điểm khác nhau, với tên gọi khác nhau, hoạt động ở địa bàn khác nhau, mục tiêu hoạt động khác nhau, Hồ Chí Minh đã ghi năm sinh khác nhau[1]. Điều này hoàn toàn dễ hiểu trong hoàn cảnh Bác Hồ hoạt động bí mật, luôn bị mật thám rình rập, đồng thời có những nguy hiểm khác đe dọa, không thể không đề phòng. Một trong những cách thường sử dụng là dùng tên giả, lý lịch giả để xóa dấu vết hoặc tung hỏa mù với mật thám. Bác Hồ không thể ở đâu và lúc nào cũng công khai tên thật, năm sinh, thông tin cá nhân như một bản khai thống nhất, vậy khác nào “lạy ông tôi ở bụi này” với kẻ thù!

Ngay cả trong trường hợp khai hồ sơ với các cơ quan “của ta” như lúc làm thủ tục nhập cảnh Liên Xô, vào học ở Trường Đại học Phương Đông, lúc tham gia Đại hội Quốc tế Cộng sản…, Người cũng có những tên và tuổi khác nhau. Điều này giúp “cắt đuôi” những kẻ đeo bám hoặc ít nhất cũng gây nhiễu cho phía mật thám Pháp đang theo đuổi.

Còn các hồ sơ hoặc giấy tờ do phía Pháp cung cấp cũng có những năm sinh không thống nhất nhau:

- Tháng 9-1919, Sở Cảnh sát Paris đã chính thức cấp căn cước cho Nguyễn Ái Quốc, nội dung căn cước xác nhận: Nguyễn sinh ngày 15-1-1894 tại Vinh, An Nam, địa chỉ nơi ở: nhà số 6 phố Villa De Gobelins ở Paris[2].

- Để phục vụ mật thám Pháp thu thập thông tin, điều tra về Nguyễn Ái Quốc - người đã ký tên dưới bản Yêu sách của nhân dân An Nam, ngày 6-2-1920, lý trưởng làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đã trình báo cáo: “Vào năm Thành Thái thứ 13 (1901), ông Nguyễn Sinh Huy đỗ Phó bảng, trở về làng cúng bố mẹ thì Nguyễn Văn Thành khoảng 8 tuổi. Về Nguyễn Sinh Huy và người con trai Nguyễn Bé Con tức Nguyễn Văn Thành từ năm đó đến nay không nhận được tin tức gì. Nguyễn Sinh Huy có thể đã ngoài 60 tuổi và Nguyễn Văn Thành đã hơn 28 tuổi (nghĩa là sinh khoảng năm 1892), nếu họ còn sống”.

- Sau khi Nguyễn Ái Quốc trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, ngày 17-9-1920, Sở Cảnh sát Paris đã lập hồ sơ như sau: “Nguyễn Ái Quốc sinh ngày 15-1-1894 tại Vinh (Trung Kỳ). Bố tên Nguyễn, mẹ tên Hoàng. Bố mẹ đều đã mất. Bố mất 9 năm trước, mẹ mất 15 năm trước. Có 6 anh chị em đều đã mất”[3].

- Ngày 10-10-1929, Tòa án Vinh (Nghệ An) mở phiên tòa số 115 xét xử 45 chiến sĩ cách mạng, trong đó có 7 án tử hình. Biên bản phiên tòa ghi: “Nguyễn Ái Quốc tức Nguyễn Tất Thành, 30 tuổi (nghĩa là sinh năm 1899), lưu vong. Án do tòa án tỉnh đề nghị là tử hình, án do Viện Cơ mật đề nghị là khổ sai chung thân”.

- Ngày 16-3-1931, Tuần báo số 1 của Cảnh sát Hình sự Bắc Kỳ đã đăng lệnh: “Truy nã Nguyễn Ái Quốc, tức Nguyễn Tất Thành, hay Nguyễn Văn Thành, tức Nguyễn Sinh Con, Nguyễn Bé Con, tức Lý Thụy. Sinh năm 1892 tại Kim Liên (Nghệ An). Con trai của Nguyễn Sinh Huy tức Nguyễn Xuân Sắc (đã mất)”.

- Ngày 15-8-1931, sau phiên tòa thứ 3 của Tòa án tối cao Hongkong xét xử Tống Văn Sơ (Nguyễn Ái Quốc), báo South China Morning Post đã tóm tắt trả lời của của Tống Văn Sơ với thư ký Trung Hoa vụ thẩm vấn: “Tên là Tống Văn Sơ. Tuổi 36 (nghĩa là sinh năm 1895). Quê quán ở Đông Hưng, Liêm Châu (Quảng Tây)”.

Các thông tin này không đồng nhất nhau cũng không khó hiểu. Mật thám Pháp phải truy ra dấu vết của Nguyễn Ái Quốc bằng các thông tin khác nhau nên chắc chắn có sự sai lệch bởi các nguồn cung cấp cũng không hoàn toàn nắm được thông tin chính xác. Họ không thể hỏi trực tiếp “chính chủ”, mà dẫu có hỏi thì Nguyễn Ái Quốc cũng không cung cấp thông tin thật. Như trường hợp Nguyễn Ái Quốc làm căn cước thì thông tin cá nhân đương nhiên do Nguyễn khai, nhưng ta thấy rõ đó là thông tin không thật (ngày tháng năm sinh, nơi sinh…). Hay như lý trưởng tại Kim Liên – Nam Đàn cung cấp thông tin về Nguyễn Ái Quốc cũng hoàn toàn không đúng, cả về Nguyễn Ái Quốc và Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (năm sinh của hai người, không rõ họ còn sống không…). Hay hồ sơ của cảnh sát Pháp khi Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Cộng sản Pháp cũng sai lệch cả về bản thân Nguyễn và thân nhân…

Còn trường hợp Tống Văn Sơ càng dễ hiểu hơn. Bấy giờ, Nguyễn Ái Quốc không thừa nhận mình là Nguyễn Ái Quốc mà chỉ nói mình là Tống Văn Sơ, người Trung Quốc, nên năm sinh và quê quán đều hoàn toàn khác biệt so với các thông tin khác. Dựa vào đó, các luật sư đã cãi trắng án cho Tống, tức là giúp Nguyễn Ái Quốc giành thắng lợi pháp lý trước tòa án của Hongkong, khiến phía Anh không thể dẫn độ cho thực dân Pháp hoặc tạo điều kiện cho mật thám Pháp bắt cóc Nguyễn tại Hongkong.

Dù dùng rất nhiều biện pháp để truy tìm ra “chân tướng” của Nguyễn Ái Quốc, người mà mật thám Pháp cất công điều tra (chẳng hạn, chỉ trong mấy tháng đầu năm 1922, chúng đã gửi đến 300 báo cáo![4]) nhưng rốt cuộc các thông tin lại luôn có sự khác biệt nhau và sau này kho đối chiếu với thực tế, chúng ta đều thấy có sự sai lệch rất lớn. “Điều kỳ lạ là qua rất nhiều điều tra, nhưng mỗi báo cáo chúng lại ghi một năm sinh khác nhau của Người, lúc thì ghi sinh năm 1892, khi lại ghi sinh năm 1894, có chỗ lại ghi sinh năm 1900… Năm 1921, trước khi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp Albert Sarraut triệu tập Nguyễn Ái Quốc đến Bộ để trực tiếp tra xét lần thứ hai thì Chánh mật thám Đông Dương còn nhận báo cáo Nguyễn Ái Quốc khoảng 35 tuổi (nghĩa là sinh năm 1886)…”[5].

Do vậy, các thông tin này vì nhiều lý do khác nhau chỉ để tham khảo và chứng minh cho những việc khác chứ hoàn toàn không thể dùng làm căn cứ khẳng định rốt cuộc Hồ Chí Minh sinh năm bao nhiêu. Và vì vậy, các ý kiến, quan điểm cho rằng năm sinh của Hồ Chí Minh hiện nay là không chính xác, dẫn đến các vấn đề khác liên quan đến Người cũng không đáng tin cậy thực sự là sự ngụy biện.

Đương nhiên chúng ta phải sử dụng thông tin chính thức từ các văn kiện của Đảng, các thông tin do chính Hồ Chí Minh cung cấp. Trang tulieuvankien.dangcongsan.vn ở mục Tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp của trang nhánh Hồ Chí Minh đã ghi: “Chủ tịch Hồ Chí Minh (tên lúc nhỏ là Nguyễn Sinh Cung, tên khi đi học là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng trước đây lấy tên là Nguyễn Ái Quốc), sinh ngày 19-5-1890 ở làng Kim Liên, xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; mất ngày 2-9-1969 tại Hà Nội”.

Năm sinh của Hồ Chí Minh đã được chính Người cung cấp trong rất nhiều tác phẩm, văn kiện. Năm 1946 là lần đầu tiên công bố ngày sinh của Người. Ngày 18/5/1946, trang nhất báo Cứu quốc xuất bản tại Hà Nội có đăng bài viết đặc biệt Cụ Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam, chính thức thông tin ngày tháng năm sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh 19-5-1890. Ngày 19-5-1946 cũng là lần đầu tiên một hình thức mừng sinh nhật được tổ chức như để biểu thị khối đại đoàn kết của toàn dân, toàn dân quanh vị lãnh tụ của một quốc gia non trẻ đang đương đầu với rất nhiều thử thách phức tạp. Hôm đó, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp đại biểu thiếu nhi thủ đô, tự vệ, hướng đạo sinh và các đại biểu Nam bộ đến chúc mừng sinh nhật. Người đã chụp ảnh chung với các thiếu nhi và nói chuyện với các đại biểu Nam bộ. Đáp lại tình cảm của mọi người, Người nói: “Thật ra, các bác ở đây làm to sinh nhật tôi, chứ tuổi 56 chưa có gì đáng chúc thọ, cũng hãy còn như thanh niên cả, mà trước các anh, các chị, trước cảnh êm vui ở Bắc đây, tôi thật thấy làm xấu hổ rằng trong Nam chưa được thái bình”.

Sinh nhật năm 1949, Bác Hồ ở một gia đình tại Bản Chương, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Trước ngày 19-5, Bác đã làm bài thơ Không đề có câu “Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già”. Ngày 1-6-1949, Người có “Lời cảm ơn nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 59”, đăng trên báo Cứu quốc số 1257. Ngày 19-5-1950, Chính phủ tổ chức lễ chúc thọ mừng Bác Hồ tròn 60 tuổi tại Việt Bắc. Linh mục Phạm Bá Trực, Phó trưởng Ban Thường trực Quốc hội, thay mặt toàn thể đọc những lời chúc thọ Bác, mở đầu bằng mấy câu tiếng Latin. Bác Hồ tươi cười cảm ơn và nói: Tôi có mấy câu thơ cũng chỉ là khoai khoai sắn sắn thôi xin được đọc ra đây: “Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán/ So với ông Bành vẫn thiếu niên…”. Bài thơ này được đặt tên là Sáu mươi tuổi.

Sinh nhật năm 1953, cũng ở Việt Bắc, Bác làm bài thơ Thất cửu: “Nhân vị ngũ tuần thường thán lão/ Ngã kim thất cửu chính khang cường...”. Đồng chí Xuân Thủy dịch là Sáu mươi ba tuổi: “Chưa năm mươi đã kêu già/ Sáu ba, mình vẫn nghĩ là đương trai…”. Sinh nhật năm 1968, trong Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa III, sau khi nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng chúc thọ, Bác có bài thơ: “Bảy mươi tám tuổi, chưa già lắm,/ Vẫn vững hai vai việc nước nhà…”

Còn trong Di chúc, ở các bản viết từng năm, Hồ Chí Minh đều có ghi tuổi. Bản viết năm 1969, Người nêu: “Nǎm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là lớp người "xưa nay hiếm" nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt, tuy sức khoẻ có kém so với vài nǎm trước đây”. Bản viết năm 1968 thì: “Năm nay, tôi vừa 78 tuổi, vào lớp những người ‘trung thọ’”. Bản viết năm 1965 thì: “Nǎm nay, tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn mạnh khỏe. Tuy vậy, tôi cũng đã là lớp người ‘xưa nay hiếm’”.

Trong điều kiện hiện nay, việc xuyên tạc năm sinh của Hồ Chí Minh tuy không được nhiều người tin theo nhưng vẫn được vài kẻ xấu thực hiện, bởi họ có thể trưng ra nhiều chứng cứ khiến một số người nhẹ dạ ngộ nhận. Do đó, từ các phân tích và lý giải ở trên, liên quan đến luận điệu này, chúng ta dễ dàng nhìn ra đâu là sư thật, đâu là thông tin sai trái!

TRÚC GIANG

 

[1] Theo thống kê chưa đầy đủ, Hồ Chí Minh có khoảng 175 tên, bí danh, bút danh, trong đó có một số bí danh dùng rất hạn chế, tức chỉ dùng trong thời gian ngắn hoặc trong một số dịp đặc biệt nào đó.

[2] Thông tin này thực ra chỉ có 2 chi tiết đúng: Nguyễn là người An Nam và hiện đang ngụ tại nhà số 6 phố Villa De Gobelins ở Paris, vì 2 chi tiết này không thể giấu được hoặc khai giả được. Còn các chi tiết khác đều… không thật!

[3] Các thông tin này hoàn toàn là “áng chừng” vì chỉ đại khái, mang máng chứ không chính xác và chỉ có thể để phân biệt Nguyễn với một số người khác chứ không định ra được nhân thân cụ thể, chính xác của Nguyễn. Họ cũng nhầm tên và họ của những người thân của Nguyễn Ái Quốc.

[4] Chúng ta đều nhớ đến việc trùm mật thám Pháp chuyên theo dõi người Việt Nam ở Pháp Arnous đã nhận xét: “Con người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt cây chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”.

[5] Thời trai trẻ tìm đường cứu nước của Bác Hồ: Cánh chim bằng bay trên bão táp, kỳ 2: Người thanh niên “không tuổi” trong ngôi nhà “bốn không”, Báo Quân đội nhân dân điện tử, tại địa chỉ: https://www.qdnd.vn/da-phuong-tien/longform/ky-2-nguoi-thanh-nien-khong-tuoi-trong-ngoi-nha-bon-khong-661330.