Về mục tiêu “vì hạnh phúc của nhân dân” trong chủ đề đại hội XI của đảng bộ Thành phố
Ngày đăng: 29-12-2019 Lượt xem: 2521
Theo dự thảo Báo cáo chính trị (lần 1) vừa được công bố, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI có chủ đề: “Nâng cao trách nhiệm nêu gương và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân; phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực và tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của Nhân dân”.
Chủ đề Đại hội là tinh thần cô đúc và mục tiêu khái quát của một kỳ đại hội, tức là các định hướng phát triển thành phố trong một giai đoạn cụ thể. Ở Đại hội lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010 – 2015, chủ đề là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu toàn Đảng bộ; phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết; huy động nguồn lực, nâng cao chất lượng tăng trưởng, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển nhanh, bền vững”. Chủ đề của Đại hội X là: “Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; huy động mọi nguồn lực; xây dựng thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình; giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế - xã hội; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của khu vực Đông Nam Á”… Lần này, chủ đề Đại hội XI có nhiều nét mới thể hiện sự tiến bộ rõ nét mà một trong những điểm cụ thể nhất là mục tiêu “vì hạnh phúc của nhân dân”.
Chủ đề các đại hội trước đều đặt ra những mục tiêu cho nhân dân, nhưng xét cho cùng, trong mục tiêu đó, phần nhân dân được thụ hưởng là gì thì chưa được đề cập cụ thể, rõ nét. Chủ đề Đại hội lần này chốt lại bằng một thành tố rất nhân văn mà cũng rất thiết thực, đó là “vì hạnh phúc của nhân dân”. Bên cạnh “độc lập” và “tự do”, “hạnh phúc” là một trong ba thành tố của tiêu ngữ - được hiểu như là các mục tiêu – của nước ta. Hạnh phúc của nhân dân chính là sự thụ hưởng và được thụ hưởng các thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của đông đảo người dân, tức là phải tạo mọi điều kiện để số đông người dân thành phố được thụ hưởng các thành tựu phát triển của thành phố. Điều này đòi hỏi nhiều yếu tố, như hạn chế bất bình đẳng, mở rộng dân chủ toàn xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo…, đều là những biểu hiện mang tính nhân văn sâu sắc.
Với mục tiêu này, chúng ta nghĩ ngay đến lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, đăng trên Báo Cứu quốc, số 69, ngày 17-10-1945: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Từ đó ta có thể hiểu: nếu TPHCM phát triển, hiện đại, văn minh hay TPHCM thông minh, sáng tạo… mà người dân thành phố không được hạnh phúc thì các yếu tố đó có lẽ không còn nhiều ý nghĩa nữa! Do đó, chỉ 6 chữ “vì hạnh phúc của nhân dân” có thể khái quát toàn bộ ý nghĩa và giá trị của chủ đề Đại hội lần này, một chủ đề rất tiến bộ và nhân bản.
Định hướng này của Đại hội hoàn toàn thống nhất với mục tiêu khái quát trong nhiệm kỳ mới mà có thể được nhấn mạnh ở các cụm từ in nghiêng: “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân; phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực và tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước; đẩy mạnh phát triển văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc; vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của Nhân dân; là một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ có sức lan tỏa cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á”.
Lâu nay, một số kẻ bất mãn hoặc có thành kiến với chế độ thường rêu rao rằng các kỳ đại hội đảng là công việc nội bộ của Đảng, không phải là công việc của nhân dân hay là công việc vì nhân dân… Họ nêu lên ý kiến này khi cố tình lờ đi hai luận điểm hết sức quan trọng: thứ nhất, trong nhiều kỳ đại hội (của Đảng hoặc của các đảng bộ địa phương), khi tổ chức cho nhân dân đóng góp ý kiến thì thường có rất nhiều ý kiến góp ý mang tính xây dựng và tinh thần trách nhiệm cao. Chẳng hạn, Đại hội XII của Đảng đã có hơn 26 triệu lượt người đóng góp ý kiến (trong số này có một bộ phận là đảng viên). Thứ hai, qua mỗi kỳ đại hội, đất nước và từng địa phương đều đạt được những thành tựu quan trọng, đời sống của người dân được nâng cao đáng kể… Những kết quả đó không tự nhiên có được mà do những định hướng đúng đắn về chủ trương, đường lối được đề ra trong các đại hội của Đảng toàn quốc và các đảng bộ.
Soi trở lại chủ đề của Đại hội XI của Đảng bộ thành phố, chỉ 6 chữ “vì hạnh phúc của nhân dân” có thể làm bật lên ý nghĩa và định hướng hết sức tiến bộ và nhân văn của một kỳ đại hội ở một trong những đảng bộ lớn nhất của Đảng, đó chính là Đảng bộ thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dĩ nhiên, để đạt được những kết quả thỏa mãn 6 chữ đó còn có sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, của tất cả các đảng viên trong Đảng bộ, của toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố, nhưng ý tưởng, định hướng, mục tiêu luôn có giá trị riêng của nó, bởi từ đây các công việc tiếp theo sẽ được đặt trong một khuôn khổ.
Không chỉ vậy, ý nghĩa của 6 chữ đó còn có giá trị dẫn dắt và gợi mở cho tất cả các cán bộ, đảng viên của toàn Đảng bộ thành phố!
TRÚC GIANG