flag header

Tin tứcChống DBHB

Về những luận điệu xuyên tạc lịch sử trong chiến thắng Mậu Thân 1968

Ngày đăng: 31-01-2018 Lượt xem: 15262

(Codotphcm) Những ngày này, trong khi toàn Đảng, toàn dân ta đang náo nức phấn khởi kỷ niệm 50 năm thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 thì đâu đó cũng rộ lên những tiếng nói lạc lõng, trái chiều của một số nhân vật có tư tưởng “phản biện”, “phản bác” xã hội đối với sự kiện này. Điều đáng nói hơn, có một số tiếng nói lại là của những người từng có nhiều năm là người chiến sĩ Quân đội NDVN, đã và đang giữ chức vụ trong các tổ chức xã hội thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Họ cho rằng “…cuộc chiến nổ bùng trên tất cả 44 tỉnh thành với bao nhiêu tang thương. Tiếng súng rộ lên trong thời gian hưu chiến làm nhiều người chết đi mà chưa hết bàng hoàng!” hoặc là “Có 4 lý do không nên kỷ niệm trận chiến này:  Là 1 cuộc chiến chỉ có máu người Việt cả 2 bên đổ ra. Là 1 cuộc chiến sai lầm về chiến lược của "Bên thắng cuộc". Một sự kiện tang tóc trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt. Và nó đã 50 năm rồi...”.

Có thể thấy rằng các quan điểm sai trái mà họ nêu ra trong sự kiện này tập trung vào một số luận điểm: Đây là một cuộc chiến “vô nghĩa và tàn bạo”; Quân giải phóng đã vi phạm việc đình chiến khi tấn công vào dịp Tết; Quân giải phóng thảm sát dân lành trong cuộc chiến; đây là sai lầm về chiến lược của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam…Vậy những luận điểm đó sai lầm ở chỗ nào?


Thứ nhất, có thể thấy rằng, đã có rất nhiều tài liệu và các cuộc hội thảo trong và ngoài nước phủ định hoàn toàn các quan điểm xuyên tạc, sai trái này. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công chiến lược xuân Mậu Thân 1968 là sự kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó nổi bật là sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng và Bác Hồ cùng với đó là khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Chính vì thế đã tạo nên sức mạnh tổng hợp lớn nhất của cả nước, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Thực chất của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nói riêng, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung là thế. Vậy mà lại có kẻ tuyên truyền xuyên tạc rằng: Mậu Thân 1968 là “cuộc chiến vô nghĩa và tàn bạo”. Thật trơ trẽn, nực cười! Cần phải khẳng định cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai của dân tộc ta là cuộc chiến chính nghĩa. Để có được chiến thắng đó quân và dân ta đã phải trả một cái giá bằng sự hy sinh, mất mát vô cùng lớn cho khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất nước nhà. Có lật lại trang sử thấm đẫm sự tàn khốc của cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai gây ra mới thấy hết tầm vóc, ý nghĩa thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, nhất là trong bối cảnh so sánh lực lượng, vũ khí trang bị trên chiến trường nghiêng hẳn về địch. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân, dân miền Nam, với những đòn “sấm sét” liên tiếp, không chỉ đã làm tổn thất nặng nề lực lượng và vũ khí, trang bị của địch, mà còn làm thay đổi cơ bản tình thế của Mỹ ở miền Nam Việt Nam: uy thế và sức mạnh quân sự của Mỹ bị suy giảm nghiêm trọng, ý chí xâm lược của chúng bị lung lay. Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ buộc phải tuyên bố đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra, không tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ 2 và cử người đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Paris. Hành động đó, không chỉ là sự thừa nhận chiến lược “chiến tranh cục bộ” bị phá sản, mà còn là bước khởi đầu của quá trình xuống thang chiến tranh, đánh dấu xu thế không thể đảo ngược: thế và lực của cách mạng Việt Nam ngày càng mạnh, Mỹ - ngụy càng suy yếu và đi xuống. Thắng lợi quân sự đã mở cánh cửa để đàm phán ngoại giao! Ngày 13-5-1968, Hội nghị Pa-ri giữa đại diện chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đại diện chính phủ Mỹ khai mạc. Chiến thắng đó mang tính nhân văn sâu sắc và cũng là tiền đề quan trọng để quân và dân ta đi đến thắng lợi cuối cùng: giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đâu phải vô nghĩa và tàn bạo như một số luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch!
Thứ hai, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là một trong ba đòn Tiến công chiến lược của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nó đã gây cú “sốc đột ngột”, làm đảo lộn thế bố trí, phá vỡ kế hoạch tác chiến của Mỹ; làm rung chuyển không chỉ toàn bộ chiến trường miền Nam, mà còn gây chấn động Nhà trắng, Lầu Năm Góc và làm lay chuyển ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.  Thắng lợi đó có nhiều nguyên nhân và để lại nhiều bài học quý. Xét về lĩnh vực quân sự, đó là bài học nghệ thuật tạo bất ngờ về thời điểm trên cả ba phương diện: chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật. Vậy mà vẫn có kẻ lu loa rằng “cộng sản đã vi phạm hiệp định hưu chiến, dùng mưu hèn kế bẩn bất ngờ xâm chiếm miền Nam”. Có thể khẳng định ngay rằng kẻ vi phạm hiệp định đầu tiên phải kể đến là đế quốc Mỹ khi vi phạm nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam trong Hiệp định Geneve 1954 để hà hơi tiếp sức cho chính quyền Sài Gòn thực hiện dã tâm chia đôi đất nước lâu dài. Lịch sử ngoại giao của ta khẳng định chúng ta không có bất cứ đàm phán chính thức nào đối với chính quyền Việt Nam Cộng hòa giai đoạn này thì làm sao có cái gọi là “hiệp định hưu chiến” để mà vi phạm?

Việc chọn dịp Tết Nguyên Đán và thời khắc giao thừa  đồng loạt nổ súng mở màn là nét đặc sắc của nghệ thuật tạo bất ngờ của ta; bởi đây là lúc địch sơ hở và chủ quan nhất. Cân nhắc, nghiên cứu và tính toán rất kỹ, cụ thể từng chi tiết, phong tục tập quán Tết cổ truyền của dân tộc trên đất phương Nam; việc “điều binh, khiển tướng” của Quân lực Việt Nam cộng hòa từ nhiều năm trước đó, sau khi có sự thống nhất giữa cơ quan chỉ đạo tối cao và chỉ huy các chiến trường, Bộ chỉ huy quyết định chọn thời điểm Giao thừa là “giờ G” làm hiệu lệnh nổ súng mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Với sự tính toán mưu lược chu tất như vậy, nên khi ta tiến công, địch hoàn toàn bị bất ngờ, không kịp đối phó. Ngay sau khi sự kiện Tết Mậu Thân diễn ra, giới chỉ huy quân sự và học giả Mỹ cũng như phương Tây đã xác nhận: Vào những ngày Tết Mậu Thân, các đơn vị của Quân đội Việt Nam cộng hòa chỉ có một nửa quân số, khiến cho Bộ Chỉ huy Quân sự Mỹ ở Sài Gòn vô cùng lúng túng trong việc ứng phó. Từ thực tế đó, càng khẳng định: việc chọn thời điểm Tết Nguyên Đán mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân có ý nghĩa chiến lược, góp phần tạo bất ngờ về thời gian - yếu tố quan trọng làm nên thắng lợi của Xuân Mậu Thân 1968, đập tan luận điệu xuyên tạc “quân giải phóng vi phạm hiệp định đình chiến”. 


Thứ ba, để nói về việc thảm sát dân thường trong cuộc chiến, không thể không nói đến “chiến tích” của quân đội Mỹ trong những vụ việc gây ầm ĩ ngay ở phía nước Mỹ và chính quyền Sài Gòn, hẳn mọi người không quên vụ thảm sát Mỹ Lai ngày 16 tháng 3 năm 1968 do quân đội Mỹ tiến hành làm chết hơn 500 dân thường; vụ thảm sát trong Chiến dịch Speedy Express ở các tỉnh Định Tường, Kiến Hòa và Gò Công tháng 12 năm 1968 làm chết ít nhất 5.000 người; vụ thảm sát Thạnh Phong ngày 25 tháng 2 năm 1969 giết hại 21 thường dân gồm toàn người già, phụ nữ và trẻ em; vụ thảm sát Lung Máng Diệc, Cà Mau ngày 17 tháng 3 năm 1970 giết chết 72 thường dân v.v… Tội ác của quân đội Mỹ và tay sai nặng nề và rõ ràng thế sao không kể, mà lại còn “gắp lửa bỏ tay người” còn mồm loa mép giải rằng: Việt cộng gây ra “những vụ thảm sát” trong cuộc chiến Mậu Thân, “những hố chôn tập thể ở Huê”!... Chỉ có những người thiếu hiểu biết hoặc quá ngây thơ mới tin như vậy. Đường lối kháng chiến của quân đội và nhân dân là "Chiến tranh nhân dân", thực hiện chiến tranh du kích, dựa vào nhân dân mà chiến đấu. Do đó không thể có chuyện quân đội ta lại đi “thảm sát dân lành” được!.

Trong chiến tranh khốc liệt, người chết do nhiều nguyên nhân: Hai bên bắn nhau, tên rơi đạn lạc. Những ngày Mậu Thân đó, máy bay Mỹ dội bom, quân đội Sài Gòn bắn pháo dữ dội suốt tháng trời khắp các nẻo đường. Quân Giải phóng cũng chống trả quyết liệt. Bom pháo, súng đạn đó không biết cách phân biệt "Việt Cộng" hay người dân, tất cả đều bị chìm trong khói lửa. Vì thế, không thể đổ việc nhiều người chết cho một bên nào được. Nhiều nhân chứng chiến tranh ở cả hai phía, các chính trị gia, nhà báo, nhà nghiên cứu, đạo diễn phim,… đều khẳng định: cái gọi là các “cuộc thảm sát” chỉ là sự bịa đặt của Hoa Kỳ và bè lũ tay sai. Nhiều nhà báo nước ngoài có mặt tại Huế lúc cuộc chiến xảy ra đều khẳng định, không có bất cứ một cuộc thảm sát nào hay hố chôn tập thể nào. Đạo diễn bộ phim truyền hình 12 tập: “Mậu Thân - 1968” - bà Lê Phong Lan, sau 10 năm đi tìm sự thật chiến thắng Tết Mậu Thân 1968, khẳng định: “Hình ảnh và thông tin đăng tải về sự kiện thảm sát này đều từ một nguồn là các cơ quan tâm lý chiến của Mỹ và Chính quyền Sài Gòn. Nhiều nhà báo uy tín như Gareth Porter, Noam Chomsky... đã công bố những nghiên cứu khoa học phản bác sự vu cáo này”.
Như vậy, có thể khẳng định rằng những luận điểm sai trái, xuyên tạc của các nhân vật trên chỉ cho thấy nó thể hiện sự thoái hóa, biến chất của họ. Thật đáng tiếc khi họ từng là người chiến sĩ cầm súng bảo vệ quê hương đất nước thì nay lại có tư tưởng lệch lạc, trở cờ, thể hiện thái độ sai trái vào đúng thời điểm kỷ niệm trọng đại của dân tộc, của Thành phố. Ngồi một chỗ mà phê phán lịch sử, quy kết như kiểu của những người này thì người dân Việt Nam bình thường cũng không thể chấp nhận, trừ bọn phản động, bọn cơ hội chính trị, bọn chuyên làm nghề “chọc gậy bánh xe”, “gắp lửa bỏ tay người”. Xin có lời khuyên: hãy thừa nhận tính công bằng, chính xác của lịch sử, chớ xuyên tạc, quy kết chủ quan. Người xưa từng nói “kẻ nào dùng súng lục bắn vào quá khứ, thì tương lai sẽ bắn lại bằng một viên đại bác”!. 

                                                                                                                              Cờ đỏ Tp. Hồ Chí Minh