flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Viết cho ai, viết để làm gì và viết thế nào?

Ngày đăng: 31-07-2021 Lượt xem: 3773

Theo đó, khai thác và kiểm chứng thông tin là kỹ năng và yêu cầu bắt buộc đầu tiên của nghề báo. Sinh viên báo chí phải mất 4 năm theo học trường đại học chính quy để rồi ra trường cũng chỉ là mới vào nghề, trần ai với cái món “khai thác, kiểm chứng thông tin” và được công nhận là nhà báo. Nghe nói thế này, thấy thế kia mà tám ở quán cà phê, bữa nhậu là một chuyện, đưa công khai lên báo, lên mạng xã hội lại là chuyện khác, khoảng cách có khi chỉ một ly nhưng là đi vạn dặm.

Đưa ra bình luận, nhận xét, đánh giá về sự việc, nhân vật (phạm vi xã hội) cũng thuộc nghiệp vụ của nghề viết, đòi hỏi ở người viết năng lực còn cao hơn. Các bạn phóng viên mới hành nghề viết đôi ba năm chưa chắc đã dám nhảy vào bụi gai này.

Nữ MC Trác Thúy Miêu bị xử phạt vì thông tin có dấu hiệu gây mâu thuẫn, kích động trên trang cá nhân

Nữ MC Trác Thúy Miêu bị xử phạt 7,5 triệu đồng vì thông tin có dấu hiệu

gây mâu thuẫn, kích động trên facebook. 

Thế nhưng, trong dịch Covid-19 liên tục có những người viết là các facebooker đã bị cơ quan chức năng phạt tiền vì đăng thông tin không đúng, có người bị khởi tố, bắt giam. Nhẹ là thông tin không kiểm chứng, nặng là loại thông tin có chủ đích xấu. Bút sa gà chết, từ xưa các cụ đã dạy vậy!

Có thể nói, trang thông tin cá nhân trên mạng xã hội là sự sáng tạo, thành tựu tuyệt vời của thời đại công nghệ. Các loại hình này thay đổi liên tục và ngày càng hoàn thiện cho phép chủ các tài khoản đạt được các mục đích không giới hạn của mình ở lĩnh vực truyền thông. Giá trị thương hiệu của từng facebooker được xây dựng từ nội dung, gồm thông tin viết và hình ảnh.

Ngay khi Quốc hội nước ta thông qua Luật An ninh mạng, nhiều ý kiến lo ngại, thậm chí phê phán, xuyên tạc khi cho rằng  Nhà nước Việt Nam “bóp nghẹt tự do ngôn luận”. Nhưng có lẽ cần phải nhìn nhận một cách thẳng thắn: quả thực, thuở ban đầu, đa số người chơi loại hình trang thông tin cá nhân, nhất là facebook, chủ yếu để kết nối bạn bè, “tám” chuyện cá nhân vui vẻ hoặc thả nỗi buồn chẳng biết ngỏ cùng ai. Nhưng, đến nay thì nhiều facebooker không dừng lại ở những chuyện riêng tư nữa mà nhảy hẳn sang lĩnh vực gai góc nhất - thông tin xã hội, mang hơi hướng cách làm của báo chí, thậm chí "báo chí hóa" nội dung cá nhân của mình theo xu hướng "báo chí công dân" khi thông tin về sự kiện, nhân vật và đăng tải ý kiến đánh giá, nhận xét của người viết về các sự kiện, sự việc và cá nhân khác -  vốn trước đó là một trong những chức năng của báo chí.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Bộ Thông tin và Truyền thông có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT liên quan đến người sử dụng mạng xã hội. Những khoản phạt mà một số người phải nộp theo quy định hiện hành từ 5 đến 7 đồng triệu chỉ là dạng nhắc nhở nhẹ. Nặng hơn là đi tù, bồi thường khoản tiền lớn, phá sản chuyện làm ăn. Cái nghề viết ở Việt Nam hay thế giới dù có độ mở khép khác nhau về quy định nhưng riêng chuyện thông tin sai phải lãnh hậu quả là nguyên tắc chung.

Điển hình mới đây, một nữ nhà báo từng được coi là “mỏ sắc bén” đã sai một cách tệ hại, bị phạt 7,5 triệu đồng. Số tiền phạt này là phạt tội đăng thông tin có tính kích động, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19, tức là phạt thái độ, nhưng người trong nghề không thể bỏ qua sự non kém của nữ nhà báo này về năng lực đánh giá sự việc. Việc sau đoàn y tế của Hải Dương có thêm các đoàn y tế các tỉnh thành khác vào TPHCM hỗ trợ chống dịch mà vẫn chưa phủ kín công tác chăm sóc bệnh nhân cho thấy năng lực nhạy bén nghề của nữ nhà báo này thế nào. Nếu nhận định này được thể hiện trên một tờ báo thì sao? Sai số liệu có thể đính chính, nhận định sai là loại sai tệ hại.

Hay vừa qua, một facebook “Hang Nguyen” cũng đã dùng lời lẽ “khiếm nhã đối với” người dân TPHCM khi nhận hàng cứu trợ - sự nghĩa tình của người dân cả nước và đã bị cơ quan chức năng gọi lên làm việc. Và gần đây nhất, cũng lợi dụng mạng xã hội, ông Đoàn Ngọc Hải, một quan chức đã xin nghỉ việc tung một dòng trạng thái lên trang cá nhân của mình với cái ông gọi là “đơn gửi đến đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM”. Chắc hẳn ông Hải cũng đã từng kinh qua các chức vụ, hiểu thế nào là đơn kêu cứu, đơn khiếu kiện… của một công dân gửi lên lãnh đạo, cơ quan chức năng nhưng tại sao lại chọn cách viết đơn như thế?…

Nếu không mang ý đồ xấu, phá hoại, chỉ mắc chứng ghiền “phây”, thích được like, được share, xin các bạn hãy nhớ, đừng mất tiền oan, thậm chí vào tù chỉ vì mấy chữ “thông tin không kiểm chứng”. Vạn người hành cái nghề mà sự thành bại cả đời chỉ khác nhau ở chữ đứng giữa cụm từ: Không hoặc đã được kiểm chứng./.

 

Thụy Quân