flag header

Tin tứcTin tức

Việt Nam đã cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng!

Ngày đăng: 06-01-2019 Lượt xem: 5700

Sau năm 1975, Việt Nam, một dân tộc vốn yêu chuộng hòa bình, đã khẩn trương tiến hành hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển đất nước. Tuy nhiên, ngay từ tháng 5-1975, tập đoàn Pon Pot – Ieng Sary đã nhiều lần xua quân xâm lược nước ta, có lúc tiến hành quy mô lớn ở nhiều vùng giáp ranh, gây rất nhiều thiệt hại về tính mạng và tài sản của Việt Nam. Tình thế đó, buộc lòng quân đội ta phải đánh trả và đuổi chúng về bên kia biên giới. Đến cuối năm 1978, Pon Pot thậm chí còn tổ chức một cuộc tổng tấn công với quy mô lớn chưa từng có. Quân đội ta với tinh thần kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, quyết tâm bảo vệ tình mạng và tài sản của nhân dân, đã thực hiện cuộc đánh trả quyết liệt. Đồng thời, đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, ngay trong ngày 23-12-1978, quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia mở cuộc tổng phản công - tiến công trên toàn tuyến biên giới. Ngày 26-12-1978, toàn bộ hệ thống phòng thủ vòng ngoài của quân Pol Pot bị phá vỡ. Ngày 31-12-1978, quân và dân ta đã hoàn thành nhiệm vụ đánh đuổi quân Pol Pot, thu hồi toàn bộ chủ quyền lãnh thổ bị lấn chiếm. Ngày 2-1-1979, ba cụm quân chủ lực của Pol Pot, án ngữ các trục đường tiến về Phnom Penh cơ bản bị tiêu diệt và tan rã. Ngày 6-1-1979, quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia bắt đầu tổng công kích vào Phnom Penh. Ngày 7-1-1979, thủ đô Phnom Penh hoàn toàn được giải phóng. Ngày 8-1-1979, Hội đồng Nhân dân cách mạng Campuchia được thành lập và ra tuyên bố: xóa bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng của tập đoàn Pol Pot, thành lập chế độ Cộng hòa nhân dân Campuchia. Ngày 17-1-1979, toàn bộ đất nước Campuchia được giải phóng; phần lớn lực lượng Pol Pot bị tiêu diệt và tan rã, số còn lại lẩn trốn vào rừng trên tuyến biên giới phía Tây, Tây Bắc Campuchia.

Như vậy, có thể thấy, cuộc chiến tranh biên giới năm 1978 là cuộc chiến tự vệ của quân đội và nhân dân Việt Nam trước cuộc xâm lược của Khmer Đỏ mà đứng đầu là tập đoàn phản động Pon Pot – Ieng Sary. Việc phản kích sang đất Campuchia là thực hiện nghĩa vụ quốc tế theo lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia nhằm cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Mặc dù liên tục xâm lược Việt Nam nhưng mỗi khi bị quân đội ta đẩy lùi về bên kia biên giới thì chính quyền Pol Pot lại thực hiện chiến thuật “vừa ăn cướp vừa la làng”, vu cáo Việt Nam xâm lược Campuchia, đồng thời phớt lờ các đề nghị của phía Việt Nam tiến hành đàm phán hòa bình. Tiếc rằng, vì thành kiến của một số nước, vì sự che đậy, bưng bít của một số nước khác, đã có những nhận định sai lầm về thái độ và hành động của Việt Nam trong cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước này.

Đến nay, vẫn có ý kiến cho rằng Việt Nam thực sự đã xâm lược Campuchia, hoặc đã vượt quá nhiệm vụ bảo vệ đất nước; cũng có ý kiến không khẳng định hành động quân sự của Việt Nam tại Campuchia là cần thiết bởi điều mà mọi người vẫn nói là “Khmer Đỏ tiến hành diệt chủng” thì đó là việc nội bộ của nước họ, Việt Nam không cần can thiệp… Những ý kiến đó tuy lạc lõng nhưng lại có tác động đến một số người trẻ tuổi bởi không có điều kiện tìm hiểu đầy đủ các sự kiện lịch sử.

Sự thực thì chính quyền của Nhà nước Campuchia dân chủ do Pol Pot đứng đầu đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn về chính trị, tài chính và quân sự của chính quyền Trung Quốc lúc bấy giờ. Việc tấn công Việt Nam của Pol Pot cũng nằm trong mục tiêu của Trung Quốc nhằm làm suy yếu và thường xuyên tạo sự bất ổn đối với nước ta. Vì vậy, khi chế độ Pol Pot bị sụp đổ thì chính quyền Bắc Kinh khi đó đã tiến hành xâm lược nước ta để vừa thực hiện ý đồ cứu vãn tình thế cho Pol Pot vừa trả đũa Việt Nam đã đánh sụp một chế độ thân với họ.

Sơ lược như thế để có thêm sự thuyết phục cho một tài liệu dưới đây của người Trung Quốc viết về vấn đề diệt chủng ở Campuchia. Đó là bài Vén bức màn bí mật về cuộc đại tàn sát do Khmer Đỏ tiến hành nhân danh cách mạng, được nhiều báo điện tử Trung Quốc đăng trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày chính quyền Campuchia Dân chủ của Khmer Đỏ sụp đổ (4-1978 – 4-2008). Chúng tôi sử dụng bản dịch của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Hoành, đăng trên trang nghiencuuquocte.org.

Tài liệu này nêu rõ, “đây là một cuộc đại tàn sát dân tộc và chủng tộc với mục đích tái cơ cấu xã hội. Gọi tàn sát dân tộc là căn cứ vào tổng số người bị chết trong thời kỳ Khmer Đỏ thống trị 1975 - 1978; tuy nhiên cho tới nay trên vấn đề này vẫn có các ước tính khác nhau, từ con số bảo thủ 40 vạn cho tới con số khuếch đại 3 triệu người[1]. Nhìn chung người ta cho rằng một triệu là con số có thể chấp nhận được. Thế nhưng đối với một nước nhỏ hồi ấy có dân số từ 7 đến 8 triệu người thì cho dù 1 triệu cũng là con số khó có thể tưởng tượng, nó vượt xa quy mô những cuộc thanh toán và đàn áp chính trị sau khi xây dựng chính quyền mới tại nhiều quốc gia. Bởi vậy học giả Pháp Jean Lacouture gọi giai đoạn lịch sử này của Campuchia là “cuộc tự diệt chủng” (auto-genocide). Tàn sát chủng tộc là nói toàn bộ 2 vạn người gốc Việt Nam ở Campuchia bị chết, 43 vạn người gốc Hoa thì chết 21,5 vạn, 1 vạn người gốc Lào chết 4.000 người, 2 vạn người gốc Thái chết 8.000 người, 25 vạn tín đồ Islam chết 9 vạn người - những con số này đều vượt quá tỷ lệ tương ứng người Khmer bị chết”[2].

Về các yếu tố cấu thành cuộc đại tàn sát trong 4 năm 1975 - 1979 tại Campuchia, tài liệu trên chỉ ra 4 yếu tố. Thứ nhất, cuộc di dân cưỡng chế với quy mô lớn. Tháng 4-1975, Khmer Đỏ giành chính quyền tiến vào các đô thị, ngay sau đó họ cưỡng chế toàn bộ dân đi khỏi các đô thị, áp tải đưa về nông thôn. Vì công tác này hoàn toàn không có sự chuẩn bị tương ứng về vật chất, thậm chí cũng chưa xác định mục tiêu cuối cùng là gì, cho nên phần lớn người già yếu, đàn bà con trẻ đã chết vì đói khát, ốm đau và mệt nhọc. Ngoài ra là do sự tàn sát có kế hoạch trong quá trình di chuyển ấy đối với những người không phục tùng sự di chuyển và với người khác mình (dị kỉ phần tử, gồm những người không phải dân Khmer và các tín đồ Phật giáo).

Thứ hai, thanh toán và đàn áp chính trị, nhằm vào các nhân viên quân sự, hành chính của chính quyền Lon Nol, gồm binh sĩ, cảnh sát và công chức, kể cả các thành viên Hoàng gia trước cuộc đảo chính của Lon Nol

Thứ ba, lao động thể lực cường độ cao. Những người còn sống sót trong cuộc di tản đi khỏi đô thị thường bị buộc cùng nông dân làm những việc như đào mương, làm ruộng, làm đường. Do tình hình kinh tế xấu đi, do thiếu lương thực và những thứ cần dùng cho đời sống nên rất nhiều người đã chết dưới sự lao động cưỡng chế đó.

Thứ tư, thanh lọc nội bộ, bắt đầu từ những người thân Việt Nam, hoặc những người mà Pol Pot cho là các gián điệp của KGB, đặc vụ của CIA và những người khác mình mới chui vào trong Đảng. Đợt tập trung nhất là đợt thanh lọc năm 1978 nhằm vào cán bộ và quân nhân các đại khu miền Đông bị coi là phái thân Việt Nam. Đợt thanh lọc này do Ta Mok người lãnh đạo đại khu Tây Nam phụ trách, trong một lần đã giết gần 10 vạn người Khmer Đỏ của mình…[3]

Như vậy, không ai có thể bào chữa về tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ; họ không chỉ giết hoặc trực tiếp gây ra cái chết của chính đồng bào mình mà còn nhắm vào một số sắc tộc khác đang sinh sống tại Campuchia; họ không chỉ thực hiện sự cải tạo xã hội mà còn tổ chức thanh trừng nội bộ, thanh lọc sắc tộc để giết hàng loạt người, bất kể người sắc tộc nào. Vì những lẽ đó, các hành động quân sự của Việt Nam ở Campuchia không chỉ có ý nghĩa tiêu diệt một lực lượng phản động thường xuyên xâm lược Việt Nam, diệt mầm mống gây chiến tranh sau đó mà còn nhằm tiêu diệt một nhà nước quái dị, một tổ chức tội ác mang danh nghĩa nhà nước nhằm chống lại loài người, qua đó giúp nhân dân Campuchia tổ chức nên một nhà nước khác tiến bộ, góp phần quan trọng vào việc xây dựng hòa bình, ổn định và phát triển ở Campuchia và khu vực.

Tuy nhiên, dù bị đánh bật ra khỏi thủ đô Phnom Penh và hầu hết lãnh thổ, nhưng tàn quân Khmer Đỏ chạy về biên giới Campuchia – Thái Lan và tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động khủng bố đối với chính quyền mới và nhân dân Campuchia. Được sự hỗ trợ của một số thế lực nước ngoài, tàn quân của Pol Pot không ngừng thực hiện các hành vi tàn sát đồng bào mình, thậm chí tiếp tục thực hiện nhiều cuộc thanh trừng nội bộ khác. Trong khi đó, chính quyền Cộng hòa Nhân dân Campuchia non trẻ không đủ điều kiện tự bảo vệ nên rất cần sự giúp đỡ của Việt Nam về nhiều mặt: trực tiếp tham gia các chiến dịch quân sự tiêu diệt tàn quân Khmer Đỏ; huấn luyện các lực lượng vũ trang Campuchia; hỗ trợ xây dựng chính quyền Campuchia các cấp; hỗ trợ xây dựng hệ thống tổ chức đảng của Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia; viện trợ các nhu yếu phẩm; hỗ trợ xây dựng một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật (đường sá, trường học, bệnh viện, trụ sở…). Việt Nam tích cực giúp bạn không chỉ quân sự mà còn dân sự với nhiều đoàn chuyên gia tình nguyện sang Campuchia hỗ trợ bạn rất nhiệt tình và trách nhiệm. Đó là lý do vì sao các lực lượng của chúng ta phải ở lại Campuchia suốt 10 năm, dù lúc này chúng ta gặp rất nhiều khó khăn khi phải đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới phía Bắc, bị bao vây cấm vận, bị khủng hoảng kinh tế. Nhìn ở góc độ đó có thể thấy sự giúp đỡ, sự hy sinh của Việt Nam đối với nước bạn Campuchia là vô cùng có ý nghĩa và gần như mang tính quyết định đến sự tồn vong của một dân tộc.

Từ năm 1997, Liên hiệp quốc và Chính phủ Campuchia đã tổ chức Tòa án Khmer Đỏ (ECCC) để xét xử các thành viên cao cấp nhất của Khmer Đỏ bị cáo buộc vi phạm luật quốc tế và các tội ác nghiêm trọng xảy ra trong tội ác diệt chủng, bao gồm tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh và tội diệt chủng. Trong suốt hơn 20 năm với nhiều phiên tòa và nhiều hoạt động có liên quan, cuối cùng vào tháng 11-2018, Noun Chea (92 tuổi) và Khieu Samphan (87 tuổi), hai thủ lĩnh cấp cao của chế độ Khmer Đỏ, đã bị kết án chung thân, như bản án mà họ đã nhận tại phiên sơ thẩm vào tháng 8-2014.

Người còn lại đã bị kết án là Kang Kek Ieu (hay còn gọi là Kaing Guek Eav), biệt danh là Duch “đồ tể” (sinh năm 1942). Tháng 7-2010, Duch bị ECCC kết án 35 năm tù vì tội chống lại loài người. Đến tháng 2-2012, trong phán quyết cuối cùng, ECCC nâng lên thành án chung thân dành cho Duch.

Thời gian qua, một số người đã nói:  “Thế giới nợ Việt Nam một lời xin lỗi” vì đã cho rằng Việt Nam xâm lược Campuchia. Điều đó quả không sai!. Nên nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, mỗi người Việt Nam chúng ta càng cần tìm hiểu rõ và hiểu đúng về bản chất của chiến này, cũng như sự hy sinh, mất mát của quân đội và nhân dân ta vì sự nghiệp bảo vệ đất nước và chống lại tội ác diệt chủng, về tinh thần quốc tế trong sáng mà hiếm dân tộc nào có được!

TRÚC GIANG

 

 

[1] Trang vi.wikipedia.org (tiếng Việt) ở mục Diệt chủng Campuchia khẳng định: “Các chính sách buộc di dời dân cư từ các đô thị, việc tra tấn và hành quyết hàng loạt, buộc lao động cưỡng bức, sự suy dinh dưỡng và bệnh tật đã dẫn đến tử vong của khoảng 25% tổng dân số (khoảng 2 triệu người). Nạn diệt chủng kết thúc khi có cuộc can thiệp của Việt Nam vào Campuchia”. Trang này dẫn lại các nguồn tài liệu của nước ngoài nên có thể bảo đảm tính khách quan và sự thật, hoặc ít nhất không thể cho rằng phía Việt Nam đã thông tin sai lệch. Đồng thời, trang này cũng khẳng định nạn diệt chủng chỉ kết thúc nhờ vào sự can thiệp của Việt Nam. Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/ Diệt_chủng_Campuchia.

[2] Trang en.wikipedia.org (tiếng Anh) ở mục Cambodian genocide đưa ra con số người Campuchia bị giết trong cuộc diệt chủng này vào khoảng 21 – 24% dân số Campuchia lúc đó, tương đương 1,671 – 1,871 triệu người. Trang này cũng nêu rõ, có khoảng 20.000 người gốc Việt sống tại Campuchia và 30.000 người Việt sống tại Việt Nam đã bị Khmer Đỏ tàn sát. Cũng như trang vi.wikipedia, trang này có hàng chục tài liệu được trích dẫn nhưng đều không có tài liệu nào của Việt Nam xuất bản. Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Cambodian_genocide.

[3] Theo http://nghiencuuquocte.org/2015/02/23/nguoi-trung-quoc-viet-ve-diet-chung-khmer-do/.