flag header

Tin tứcTin tức

Việt Nam năm 2045: Kỳ vọng và nỗ lực

Ngày đăng: 11-03-2021 Lượt xem: 1878

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định mục tiêu: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”; đồng thời “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Định hướng này khá rõ ràng và cụ thể với những lộ trình riêng, gắn với từng cột mốc: năm 2025 là kết thúc nhiệm kỳ XIII, năm 2030 là tròn 100 năm thành lập Đảng, năm 2045 là tròn 100 năm thành lập nước. Đây là các cột mốc thể hiện sự kỳ vọng lớn lao, khát khao cháy bỏng và dựa trên những căn cứ thực tiễn và khoa học, đồng thời cần có sự nỗ lực cao độ của tất cả mọi người đang sống, hoàn toàn không phải là các con số đặt ra theo cảm tính hoặc chỉ thể hiện sự mong mỏi mà không có các cơ sở thực tế của nó.

Trong số các mục tiêu này, có một điểm rất đáng chú ý, đó là: “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Ở đây, có một sự phân định rõ: “nước phát triển” và “nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa” với nội hàm có nhiều điểm khác căn bản. “Nước phát triển” có chuẩn mực hiện đang dùng, với một số tiêu chí nhất định, trong đó có tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tổng sản phẩm quốc gia (GNP), thu nhập bình quân đầu người, chỉ số phát triển con người (HDI)… Còn “nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa” trước hết là “nước phát triển” nhưng phải có những tiêu chí khác về chất lượng sống của người dân, về khả năng được thụ hưởng các quyền tự do, dân chủ của người dân, về mức độ bình đẳng trong xã hội… Nói cách khác, “nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa” là nước phát triển tiến bộ, tiệm cận với mô hình xã hội chủ nghĩa.

Việc đề ra mục tiêu cụ thể đã phần nào khắc phục điều mà trước đây một số người có phê bình là chưa làm rõ mô hình xã hội chủ nghĩa là gì, có các biểu hiện cụ thể ra sao. Thậm chí, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã nêu “xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới” với 8 đặc trưng thì vẫn bị cho là chung chung, bởi một số nội hàm chưa được làm rõ, chưa được minh định cụ thể theo mong muốn định lượng của nhiều người.

Như vậy, định hướng Việt Nam năm 2045 vừa nêu lên một viễn cảnh tốt đẹp của đất nước, đồng thời đặt ra sự nỗ lực, phấn đấu quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân để đạt được mục tiêu đó.

Nhưng đó đâu phải là sự “áng chừng” của Đảng ta mà trên thực tế, nhiều tổ chức quốc tế cũng đã có dự báo, căn cứ trên những tính toán khoa học của họ.

Cách đây 4 năm, trong dự án nghiên cứu “Thế giới năm 2050” với tựa đề Tầm nhìn dài hạn: Trật tự kinh tế toàn cầu sẽ thay đổi ra sao đến năm 2050?, báo cáo của PwC[1] đưa ra dự báo về triển vọng tăng trưởng GDP của 32 nền kinh tế lớn nhất đang chiếm tổng cộng khoảng 85% GDP thế giới. Báo cáo này dựa trên những kết quả của mô hình dự báo tăng trưởng dài hạn do PwC xây dựng từ năm 2006. Theo đó, dựa trên GDP tính theo sức mua tương đương (PPP), quy mô nền kinh tế toàn cầu có thể gấp đôi hiện nay vào năm 2042; Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế có GDP lớn nhất nếu tính theo PPP và có khả năng sẽ đứng đầu thế giới về GDP tính theo tỉ giá hối đoái thị trường trước năm 2030; Ấn Độ có thể chiếm vị trí thứ 2 của Mỹ từ nay đến năm 2050; Indonesia sẽ vươn lên vị trí thứ 4 – vượt qua Nhật Bản và Đức. Đến năm 2050, 6/7 nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo sẽ là các nền kinh tế mới nổi. Việt Nam có thể là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất cho đến năm 2050 và sẽ đứng thứ 20 về GDP vào năm 2050, với mức tăng trưởng hàng năm đạt khoảng 5%. Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc khi có GDP từ 600 tỉ USD tăng lên 3.200 tỉ USD. Và 3 nền kinh tế tăng trưởng nhanh và có sự thăng tiến vượt bậc nhất là Việt Nam từ vị trí 32 năm 2016 lên 20 vào năm 2050 với mức tăng trưởng bình quân hàng năm là 5,1%; Philippines từ vị trí 28 lên 19 với mức tăng trưởng 4,3%; Nigeria từ vị trí 22 lên 14 với mức tăng trưởng 4,2%.

PwC dự báo rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng trung bình 3,5% mỗi năm từ nay đến năm 2020, sau đó tăng trưởng chậm xuống mức 2,7% trong thập niên 2020, 2,5% trong thập niên 2030 và 2,4% trong thập niên 2040. Đó là vì nhiều nước phát triển (và một số thị trường mới nổi như Trung Quốc) sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn lao động do dân số già hóa, do các thách thức về hạn chế nguồn nguyên liệu và năng lượng. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng tại các thị trường mới nổi sẽ chậm lại vì các nền kinh tế này đang đạt đến độ trưởng thành, và nhu cầu tăng trưởng nhanh để đuổi kịp các nước khác sẽ giảm dần[2].

Ngoài PwC, còn một số tổ chức khác cũng có những dự báo đầy xán lạn về tương lai của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Phải chăng họ thiên vị vì quá yêu quý Việt Nam hay làm theo yêu cầu của Việt Nam? Xin thưa, hoàn toàn không. Họ dự báo trên các dữ liệu phức tạp với các cách tính khoa học, mà khoa học thì không có cảm tính, không có thiên vị. Vấn đề là các dữ liệu đó, các cách tính đó có bị tác động do các yếu tố khách quan làm cho thay đổi không mà thôi.

Trên thực tế, nếu theo diễn tiến của tình hình kinh tế - xã hội 5 năm 2015 – 2020 thì dường như mọi thứ có thể sẽ diễn ra như một số dự báo. Tuy nhiên, đến đầu năm 2020, xuất hiện các biến số mới, đó là đại dịch Covid-19 và tác động của nó đến toàn bộ nền kinh tế. Điều này sẽ tác động ít nhiều đến kết quả tính toán. Dẫu vậy, ta cũng nên hình dung đến sự bật nẩy của chiếc lò xo sau khi bị nén: khả năng kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng nhanh hơn sau khi đại dịch bị đẩy lùi hoàn toàn, điều hoàn toàn sẽ xảy ra do có các tiến bộ khoa học (vaccine chẳng hạn).

Một biến số khác cũng cần quan tâm, đó là dân số. Theo ước tính của phiên bản 2015 với tốc độ tăng dân số với tỷ lệ sinh trung bình, của Cơ sở dữ liệu triển vọng dân số thế giới của Vụ Dân số Liên hiệp quốc, nhiều khu vực sẽ có hiện tượng giảm dân số do già hóa. Chẳng hạn, châu Âu hiện có hơn 743 triệu dân và đang giảm dần, đến giữa thế kỷ này chỉ còn khoảng 715 triệu; Đông Á giảm từ 1,663 tỷ dân còn 1,586 tỷ vào năm 2050… Tuy nhiên, nhìn tổng thể, dân số thế giới vẫn tiếp tục tăng, từ 7,795 tỷ năm 2020 lên 9,711 tỷ trong vòng 30 năm nữa và sẽ tăng tiếp lên 11,184 tỷ vào năm 2100. Như vậy, cục bộ từng khu vực có thể bị tác động nhất định nhưng toàn cầu chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh.

Việt Nam sẽ đạt 114,63 triệu dân vào năm 2050, 115,73 triệu 10 năm sau đó, trước khi giảm dần mỗi năm vài ba triệu dân[3]. Dĩ nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế nói riêng và phát triển đất nước nói chung, nhưng không có nghĩa là không thể điều chỉnh. Vào giữa thế kỷ này, chắc chắn sự tự động hóa với internet vạn vật, với robot… sẽ chiếm ưu thế nên sức lao động của con người sẽ dần được thay thế. Khi đó, khái niệm nguồn nhân lực có thể sẽ được điều chỉnh theo hướng chỉ năng lực của con người có thể sáng tạo và điều khiển các mạng lưới tự động, các robot chứ không phải năng lực của con người theo góc nhìn hiện nay. Do đó, năng suất lao động sẽ tiếp tục được tăng lên. Và, xin đừng nói rằng “Việt Nam còn lạc hậu, biết bao giờ có thể tiếp cận với công nghệ tiên tiến đó”, bởi vì trong quá trình hội nhập và sự “đi tắt đón đầu”, Việt Nam hoàn toàn có khả năng tiệm cận về công nghệ so với các nước tiên tiến nhất.

Thực tiễn cho thấy, khoảng cách về công nghệ giữa Việt Nam và các nước đang dần được rút ngắn. Chẳng hạn, công nghệ 5G đang được triển khai ở một số nước tiên tiến trên thế giới thì ở nước ta cũng đã được triển khai thí điểm. Thời gian tới, khoảng cách này chắc chắn sẽ còn ngắn hơn.

Châm ngôn có câu: Thay vì nguyền rủa bóng đêm, hãy thắp một que diêm. Thật ý nghĩa với câu nói của ai đó: “Hãy là một phần của sự đổi thay kỳ diệu” ở đất nước của chúng ta, vì tương lai của con cháu chúng ta, thay vì chỉ phê phán, mỉa mai, công kích với ý tưởng kỳ diệu!

NGŨ YÊN

 

[1] PricewaterhouseCoopers (PwC) là một mạng lưới các công ty tại 157 quốc gia với hơn 223.000 nhân viên chuyên cung cấp các dịch vụ kiểm toán, tư vấn quản lý tài chính, tư vấn thuế và pháp lý chất lượng cao.

[2] Tham khảo thêm tại http://www.pwc.com/gx/en/issues/economy/the-world-in-2050.html.

[3] Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh_s%C3%A1ch_c%C3%A1c_n%C6%B0%E1%BB%9Bc_theo_d%C3%A2n_s%E1%BB%91_d%E1%BB%B1_b%C3%A1o_(Li%C3%AAn_Hi%E1%BB%87p_Qu%E1%BB%91c_%C6%B0%E1%BB%9Bc_t%C3%ADnh_theo_t%E1%BB%B7_l%E1%BB%87_sinh_trung_b%C3%ACnh)