flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Vui sao nước mắt lại trào

Ngày đăng: 30-04-2018 Lượt xem: 1563

Ngày 30-4 hàng năm từ hơn 40 năm qua được chính thức coi là ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Điều đó hoàn toàn đúng. Bởi ngày này đánh dấu sự thắng lợi của cách mạng nước ta đối với một thế lực xâm lược và tay sai của chúng ở miền Nam Việt Nam, tạo tiền đề quan trọng để thống nhất đất nước, điều mà lẽ ra đã có thể thực hiện được từ 20 năm trước đó, nếu không có sự can thiệp của các thế lực ngoại bang. Khát vọng hòa bình, độc lập và thống nhất của nhân dân ta luôn cháy bỏng nên không có gì cản trở được nhân dân ta vùng lên thực hiện khát vọng đó.

Ngày 30-4 hàng năm từ năm 1975 đến nay thực sự được coi là ngày vui của toàn dân tộc. Người dân miền Bắc không còn phải lo sơ tán và đánh trả các cuộc ném bom của đế quốc Mỹ, không còn thực hiện vinh dự nhưng cũng hết sức nặng nề với trách nhiệm làm “hậu phương lớn”. Người dân miền Nam không còn phải sống trong cảnh “tên bay đạn lạc”, cảnh o ép của chính quyền thân Mỹ, không còn cảnh phải trốn quân dịch hay cảnh tiễn người thân ra chiến trường đến cầm súng chống lại đồng bào mình. Nên ngày này thực sự là thắng lợi của toàn dân tộc, không chỉ người dân ở hai miền Nam Bắc mà còn người Việt Nam ở nước ngoài.

Nhưng với một số ít người nặng nề với quá khứ, tiếc nuối một thứ phù phiếm về cái gọi là “nền tự do”, “một miền Nam đô hội” và cả xót xa cho sự mất mát quyền lợi vốn gắn chặt với ngoại bang khi chính quyền về tay nhân dân… đã gọi ngày 30-4 là “ngày quốc hận”. Họ mang “nỗi niềm” đó cả ra nước ngoài rồi luôn nhìn về đất nước với nỗi xót xa, đau khổ, coi như Tổ quốc của họ đã thực sự mất rồi. Tâm lý đó, nhận thức đó khiến họ ít nhìn thấu sự đổi thay kỳ diệu của đất nước, của quê hương hoặc có thấy nhưng cũng không thỏa mãn, không bằng lòng. Điều đó đáng tiếc cho họ. Bởi nếu họ chịu nghe, chịu nhìn, chịu thấy hơn thì họ sẽ hiểu rằng sự phát triển vượt bậc của đất nước là một thành tựu kỳ diệu; bởi nếu họ biết rằng người dân ngày càng phấn khởi với sự nâng cao chất lượng cuộc sống thì họ sẽ vui vẻ chung lưng đấu cật để góp phần làm cho đất nước phát triển hơn. Việc họ đứng ngoài cuộc đó không cản được dòng chảy của lịch sử nhưng khiến họ có thể mất cơ hội được góp sức với dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Nhìn lại hơn 40 năm qua, đất nước ta đã vượt qua những biến cố lịch sử quan trọng và vững đi lên trên con đường mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Liệu có dân tộc nào trải qua tình cảnh mất nước, chiến tranh liên tục trong gần 120 năm (kể từ ngày người Pháp xâm lược) với bao đau thương mất mát mà toàn dân tộc vẫn nhất trí, đồng lòng vì sự nghiệp phát triển đất nước? Liệu có dân tộc nào sau ngày thống nhất vẫn phải kiên cường chống các cuộc xâm phạm bằng vũ trang, bằng chính trị, bằng cấm vận kinh tế và vẫn tích cực, chủ động hội nhập với thế giới bằng tâm thế của một quốc gia có trách nhiệm? Liệu có một dân tộc nào đi liền với phát triển kinh tế là phải khắc phục hậu quả chiến tranh, làm nghĩa vụ quốc tế mà đạt được những thành tựu vượt bậc về nâng cao đời sống người dân? So sánh nào cũng khập khiễng nhưng đặt ra vấn đề như vậy để thấy rằng thành tựu mà nhân dân ta đạt được trong hơn 40 năm qua, nhất là qua 30 năm đổi mới, là vô cùng quan trọng và có ý nghĩa, có thể coi là một sự kỳ vĩ. Thành tựu đó không ai có thể phủ nhận được.

Ngày 30-4, hát lại ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Xuân Hồng Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh càng thấm thía hơn với câu “vui sao nước mắt lại trào”. Bởi trong niềm vui đó có bao nhiêu sự hy sinh, mất mát cũng như có bao nhiêu sự cố gắng, phấn đấu của nhiều thế hệ. Trên con đường đi tới, cũng luôn cần có sự hy sinh, phấn đấu của những lớp người nối tiếp, trong đó có nhiều người ra đời sau ngày 30-4-1975 lịch sử.

Từ nhiều năm qua và cho đến mãi về sau, ngày 30-4 vẫn thực sự là một ngày vui. Bởi ngày đó luôn nhắc nhở các thế hệ người Việt Nam về một lịch sử bi hùng cùng một khát khao hòa bình, thống nhất và phát triển. Ngày 30-4 càng hun đúc các thế hệ người Việt Nam thực sự có trách nhiệm hơn với đất nước, với dân tộc, cùng chung sức, chung lòng vì một nước Việt Nam đàng hoàng hơn, giàu đẹp hơn, sánh vai được với các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu của chúng ta luôn hằng mong mỏi!

Trúc Giang