flag header

Tin tứcThành phố tôi yêu

Xuân tình nghĩa trên thành phố nghĩa tình

Ngày đăng: 26-01-2018 Lượt xem: 1975

Xuân này, niềm vui của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh được nhân lên gấp bội khi thành phố chính thức triển khai thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Khởi động thực hiện nghị quyết quan trọng này không chỉ có những hội nghị quán triệt, tuyên truyền mà còn có những hành động, việc làm thiết thực, cụ thể, khẳng định lợi ích mà người dân được hưởng từ cơ chế, chính sách đặc thù.

Chuẩn bị Đường hoa Tết Mậu Tuất 2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: TTXVN.

Một trong những lợi ích trước tiên mà người dân được hưởng từ cơ chế, chính sách đặc thù là sự khẳng định của lãnh đạo thành phố: Xuân Mậu Tuất phải là xuân tình nghĩa trên thành phố nghĩa tình.

Đây không chỉ là lời nói hay khẩu hiệu hô hào, mà là hành động, việc làm có cơ sở từ thực tiễn. Từ nhiều năm nay, TP Hồ Chí Minh là “cái nôi” khởi phát các phong trào thiện nguyện vì cộng đồng, chăm lo cho người nghèo đón Tết vui tươi. Những chương trình thiết thực, như: “Tết làm điều hay vì nông dân nghèo”, “Tấm vé nghĩa tình”, “Xuân ấm biên cương”, “Tết sum vầy”, “Chuyến xe công nhân về quê đón Tết”…, đã được tổ chức hiệu quả, rộng khắp, trở thành “thương hiệu” của TP Hồ Chí Minh. Nhờ những chương trình đó mà từ nội thành đến vùng ven, hay nơi biên giới, hải đảo đều lan tỏa không khí Tết trong tình cảm ấm áp, thân thương. Với người nghèo ở thành phố, cho dù cuộc sống còn nhiều vất vả, khó khăn nhưng mỗi dịp xuân về, họ lại thêm vui, lại mong đợi, bởi được nhận sự quan tâm, chăm lo thiết thực của Đảng bộ, chính quyền và đoàn thể các cấp, mang hạnh phúc đến với mọi nhà.

Năm nay, thành phố tiếp tục thực hiện phương châm không để ai tụt lại phía sau, không để người nghèo không có Tết và mở rộng đối tượng được chăm lo Tết. Ngoài những gia đình chính sách, người nghèo, trẻ em khuyết tật, người già neo đơn… còn có công nhân lao động xa quê, không có điều kiện về quê đón Tết. Mới đây nhất, UBND thành phố quyết định chi 1.300 tỷ đồng chăm lo Tết cho các đối tượng và thống nhất đẩy mạnh xã hội hóa trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa-nghệ thuật phục vụ Tết. Mục tiêu của thành phố là huy động mọi nguồn lực chăm lo Tết cho nhân dân, đặc biệt là người nghèo. Cách làm này khá hiệu quả, vừa chia sẻ nỗi lo của chính quyền vừa tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân có cơ hội đóng góp công sức, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Đúng như Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong từng nói: “Một người lo thì khó, vạn người lo tất thành”. Cả thành phố nghĩa tình sẽ đồng thuận tạo nên những mùa xuân nghĩa tình.

Chăm lo cho dân, nghĩa tình với dân tạo nên cái gốc của sự thành công, là nền tảng của mọi thắng lợi. Chủ trương xây dựng thành phố nghĩa tình và thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội cuối cùng cũng vì lợi ích của dân, vì những cái Tết sum vầy, vui tươi, ấm áp của nhân dân. Bởi vậy, cả thành phố đang nỗ lực, đồng lòng để nghĩa tình lan tỏa sâu rộng, mang mùa xuân đến với muôn nơi. Đó cũng là nét đẹp, thể hiện quyết tâm xây dựng thành phố ngày càng đẹp giàu, hiện đại, nghĩa tình. Tết nghĩa tình cũng sẽ gửi tới bè bạn quốc tế khi đến nơi đây một thông điệp về một đô thị năng động, sáng tạo, hào hoa và mến khách, để mọi người yêu khi đến, nhớ khi đi và hẹn ngày trở lại.

YẾN LONG 

(Theo QĐND)